KỶ NIỆM 35 NĂM NGÀY THÀNH LẬP SỞ TƯ PHÁP TP.HCM (27-3-1982 - 27-3-2017)

'Con dao làm bếp có bị coi là hung khí hay không?'

Năm 2016, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước TP.HCM (gọi tắt là trung tâm) đã đưa Phòng Tiếp nhận và tư vấn tại trụ sở TAND TP.HCM vào hoạt động. Đây là mô hình trợ giúp pháp lý tại tòa án đầu tiên trong cả nước. Các lĩnh vực trợ giúp rất đa dạng: Luật hình sự, tố tụng hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình và trẻ em; hành chính, Luật Đất đai, nhà ở, môi trường và bảo vệ người tiêu dùng; lao động, việc làm, bảo hiểm…

Gỡ vướng, đồng hành cùng người dân

Ngoài ra, TP.HCM còn đi đầu trong việc niêm yết các thông tin về trợ giúp tại các buồng giam, buồng giữ của các phòng tạm giam, tạm giữ cùng với danh sách các trợ giúp viên và luật sư (LS).

Một lần bà TTP, quận 12, TP.HCM đến trung tâm nhờ tư vấn: “LS cho tôi hỏi thăm trường hợp người nhà tôi có biểu hiện tâm thần lấy dao làm bếp đâm người khác bị thương. Con dao làm bếp thì có bị coi là hung khí hay không vì công an giữ luôn. Giờ làm sao chứng minh được anh này có bệnh tâm thần”.

Câu hỏi này được người trực tư vấn là LS Lư Quang Vinh (Đoàn LS TP.HCM), cộng tác viên của trung tâm, giải thích cặn kẽ. Theo LS, mặc dù thường ngày nó chỉ là con dao sử dụng trong bếp nhưng khi anh ấy lấy đâm người khác thì trở thành hung khí nguy hiểm. Nếu gia đình cho rằng anh ấy có dấu hiệu tâm thần thì yêu cầu cơ quan điều tra giám định tâm thần.

Còn chị PTBT, huyện Nhà Bè, TP.HCM thì tất tưởi đến trung tâm hỏi cách nào làm lại bản chính giấy khai sinh cho con để nộp cho tòa khi chị ly hôn. Chị kể vợ chồng chị lấy nhau 19 năm và có một đứa mới tám tuổi. Chồng chị làm nghề buôn bán tự do, chị ở nhà nội trợ. Gần đây, chồng chị có vợ nhỏ nên vợ chồng thường xuyên cự cãi. Thậm chí cô vợ nhỏ còn đến nhà ghen ngược nhưng mẹ chồng chị lại bênh vực cô ấy. “Mệt mỏi quá giờ tôi muốn ly hôn nhưng ngặt nỗi chồng không chịu ký đơn. Chưa kể việc anh ấy giữ bản chính giấy khai sinh của con, thì làm sao tôi nộp để xin tòa cho nuôi con được”.

Đáp lại, LS Đào Thị Bích Liên (Đoàn LS TP.HCM) cho biết: Nếu chồng chị giữ bản chính giấy khai sinh của con thì chị đến UBND xã, phường nơi đăng ký khai sinh của bé để trích lục bản sao nộp cho tòa. Chị có thể đơn phương nộp đơn ly hôn mà không cần chồng chị ký tên vào đơn đó…

Trên đây là hai trong nhiều trường hợp người dân tin tưởng tìm đến trung tâm để được tư vấn pháp luật miễn phí. Và ở đây, họ luôn được các LS tư vấn miễn phí và hỗ trợ tham gia tố tụng nếu thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.

Người dân đến nhờ tư vấn pháp luật tại trụ sở Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước TP.HCM. Ảnh: KP

Chủ động tìm người khó khăn để trợ giúp

Trong năm 2016, trung tâm đã tư vấn pháp lý hơn 10.658 vụ việc tại TP.HCM, trong đó tham gia tố tụng 405 vụ, đại diện ngoài tố tụng chín vụ, số còn lại là tư vấn pháp lý. Cũng năm 2016 trung tâm đã tư vấn lưu động 103 đợt/103 xã, phường, thị trấn (tăng 58 đợt so với năm 2015) với 6.130 người tham gia. Thông qua các buổi tư vấn lưu động, Trung tâm đã tuyên truyền các văn bản pháp luật mới và giải đáp những vướng mắc liên quan đến pháp luật mà người dân đang gặp phải.

Ông Nguyễn Minh Chánh, Giám đốc trung tâm, chia sẻ: “Với mục tiêu là đưa pháp luật đến gần dân hơn, ngoài việc tư vấn tại chỗ thì chúng tôi đã chủ động tiếp cận và tìm đến những người nghèo cần trợ giúp pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ”.

Theo đó qua thông tin trên báo, đài, trung tâm đã liên lạc và kịp thời tham gia trợ giúp pháp lý cho nhiều người dân. Mới đây nhất là trường hợp bà Trần Thị Dung, một hộ gia đình nghèo với 17 nhân khẩu sống bên dòng kênh đen ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Sau khi đi thực tế nắm tình hình biết được nhà bà Dung có 11/17 người chưa có giấy khai sinh, người chết chưa có giấy khai tử. Từ đó trung tâm đã báo cáo Sở Tư pháp TP.HCM và đề xuất hướng giúp đỡ về pháp lý. Trung tâm đã trực tiếp đứng ra soạn đơn thư, xác minh giấy tờ để hỗ trợ đăng ký khai sinh và làm thủ tục nhập hộ khẩu cho họ…

Những người được trợ giúp pháp lý

1. Người nghèo.

2. Người có công với cách mạng bao gồm:

- Người hoạt động cách mạng trước Tổng khởi nghĩa 19-8-1945.

- Bà mẹ Việt Nam anh hùng; anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động.

- Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh.

- Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.

- Người có công giúp đỡ cách mạng.

- Cha, mẹ, vợ, chồng của liệt sĩ; con của liệt sĩ chưa đủ 18 tuổi; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ.

3. Người già cô đơn: Là người từ đủ 60 tuổi trở lên sống độc thân hoặc không có nơi nương tựa.

4. Người tàn tật không có nơi nương tựa: Là người bị khiếm khuyết một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc chức năng biểu hiện dưới dạng tật khác nhau, làm suy giảm khả năng hoạt động khiến cho lao động, học tập gặp nhiều khó khăn hoặc là người bị nhiễm chất độc hóa học, bị nhiễm HIV hoặc bị các bệnh khác làm mất năng lực hành vi dân sự mà không có nơi nương tựa.

5. Trẻ em không nơi nương tựa: Được trợ giúp pháp lý là người dưới 16 tuổi không nơi nương tựa.

6. Người dân tộc thiểu số thường trú vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

7. Các đối tượng khác được trợ giúp pháp lý theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên.

(Trích Luật Trợ giúp pháp lý và 
các văn bản hướng dẫn thi hành)

Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước TP.HCM được thành lập ngày 21-9-1998 với chức năng chính là trợ giúp pháp lý và phổ biến giáo dục pháp luật cho người nghèo, đối tượng chính sách, người chưa thành niên. Khi cần tư vấn pháp luật hoặc phát hiện người thuộc diện được trợ giúp pháp lý người dân có thể liên hệ trực tiếp tại trung tâm (470 Nguyễn Tri Phương, phường 9, quận 10) hoặc liên hệ Phòng Tiếp nhận và tư vấn của trung tâm tại TAND TP.HCM để được trợ giúp.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...