Công an Yên Bái nói nhà báo Duy Phong từ chối luật sư

Ngày 29-6, CQĐT Công an TP Yên Bái gửi văn bản cho LS Nguyễn Văn Kiệm (Đoàn LS TP Hà Nội) về việc bị can Lê Duy Phong (32 tuổi, Trưởng ban Bạn đọc báo điện tử Giáo Dục Việt Nam) từ chối mời LS bào chữa.

Vì vậy, CQĐT Công an TP Yên Bái không cấp giấy chứng nhận bào chữa cho LS Kiệm. “Bị can Lê Duy Phong thấy chưa cần thiết phải có LS tham gia và có đơn từ chối LS” - thông báo của CQĐT TP Yên Bái nói.

Chiều 29-6, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, LS Nguyễn Văn Kiệm đã xác nhận thông tin này.

Nguyên nhà báo Lê Duy Phong bị bắt tại nhà hàng Oanh Hiền, TP Yên Bái ngày 22-6.

LS Kiệm cho hay: Sau khi Duy Phong bị tạm giữ tại Yên Bái thì gia đình Duy Phong đã nhờ LS Kiệm tham gia bào chữa.

“Nếu như đích thân Duy Phong đề nghị thì CQĐT Công an TP Yên Bái sẽ không thể từ chối tôi được” - LS Kiệm nói và cho biết đích thân Duy Phong đã có đơn từ chối LS.

Theo LS Kiệm, lẽ ra trong vòng 24 tiếng kể từ khi nhận được đăng ký người bào chữa theo quy định của BLTTHS 2015 thì CQĐT Công an TP Yên Bái phải có văn bản trả lời ngay. Việc đến ngày 29-6, khi LS Kiệm lên Yên Bái thì CQĐT Công an TP Yên Bái mới đưa văn bản thì… “không phù hợp lắm”.

Dù vậy khi lên Yên Bái, LS Kiệm cho biết cũng không gặp được Duy Phong. “Lẽ ra thì CQĐT nên cho Duy Phong gặp tôi để xác nhận việc từ chối LS. Nhưng CQĐT chuyển cho tôi đơn từ chối LS viết tay của Duy Phong. Chơi với nhau lâu, thì tôi biết chính xác đó là bản của Phong viết” - LS Kiệm nói.

Đồng thời, LS Kiệm cho rằng: Điều này là hoàn toàn đúng quy định. Những ý kiến cho rằng CQĐT Công an TP Yên Bái gây khó khăn, không cấp giấy chứng nhận bào chữa thì chỉ mang tính chất dư luận thôi.

“Trong phạm vi công việc, chuyên môn thì tôi thấy chưa có căn cứ nào để cho thấy CQĐT Công an TP Yên Bái gây khó khăn, ép buộc Duy Phong từ chối tôi cả” - LS Kiệm nói.

Chi tiết hơn với phóng viên, LS Kiệm nói rằng: “Duy Phong có viết thư riêng cho mình rằng đã tâm sự với CQĐT là có biết mình, quan hệ với nhau rất tốt. Và việc nhờ mình bảo vệ là tốt thôi. Nhưng tự bản thân Phong thấy có hiểu biết về pháp luật và tại thời điểm này thì Phong thấy chưa cần thiết. Nếu ở giai đoạn tố tụng nào thấy cần thiết thì Duy Phong sẽ yêu cầu mình tham gia bào chữa”.

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, ngày 22-6 tại Yên Bái, Lê Duy Phong bị Công an TP Yên Bái bắt quả tang nhận 50 triệu đồng từ một doanh nghiệp trong nhà hàng Oanh Hiền.

Ngay ngày hôm sau, Lê Duy Phong bị Công an TP Yên Bái khởi tố, tạm giam về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Ngày 28-6, Tổng cục Cảnh sát trong buổi họp báo nói: Ngày 16-6, Lê Duy Phong cũng tới tỉnh Yên Bái gặp ông Vũ Xuân Sáng, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh này và nêu một số vi phạm của Sở, yêu cầu đưa 200 triệu đồng để giải quyết vụ việc.

Ông Sáng không có đủ tiền nên giao trước cho Lê Duy Phong 100 triệu đồng. Buổi chiều 16-6, ông Vũ Xuân Sáng chuyển nốt số tiền còn lại cho Lê Duy Phong. Bộ Công an cũng khẳng định đang điều tra xem có dấu hiệu tội đưa hối lộ trong vụ án này hay không

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm