Cùng đâm chết người, kẻ tội này, người tội khác

Mới đây, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã tuyên hủy án sơ thẩm vụ Võ Hồng Chưởng giết người. HĐXX nhận định việc bị cáo đổi lời khai cũng như đối chiếu hồ sơ xuất hiện tình tiết mới mà tại phiên tòa không thể làm rõ nên cần hủy án để điều tra, xét xử lại.

Trong vụ án này, viện và tòa cấp phúc thẩm cùng nhận định bị cáo Lê Hữu Duy Khoa là đồng phạm với Chưởng nhưng cấp sơ thẩm lại xét xử về tội cố ý gây thương tích là không phù hợp.

Người bị 18 năm, kẻ chỉ 10 tháng tù

Theo hồ sơ, tối 18-9-2013, Chưởng, Khoa cùng các bạn tổ chức ăn nhậu. Trong lúc uống rượu, một người tên Tân chạy xe đến cự cãi, đánh nhau với Chương, anh trai của Chưởng. Mọi người can ngăn, đưa Tân về nhà. Phát hiện cổ tay bị thương nên Chương tức giận chạy đến nhà Trần Văn Hùng (anh ruột của Tân) chửi bới và đòi đánh nhau với Hùng. Còn Chưởng chạy về nhà lấy dao phay để chém Tân. Lúc này, Khoa cũng đi theo Chưởng về nhà nhưng không biết mục đích của bạn là lấy dao.

Bị cáo Chưởng căng thẳng và Khoa luôn cúi đầu trong lúc tòa nghị án. Ảnh: HY

Khi quay lại, Chưởng thấy anh trai (là Chương) bị Hùng từ trong nhà chạy ra dùng cây tấn công. Chưởng cầm dao đâm vào ngực trái Hùng và bị phản công lại. Trong lúc giằng co, con dao rơi xuống đất, Khoa nghe lời Chưởng lượm dao lên thì bị Hùng đánh. Chưởng, Khoa, Hùng đều té xuống mé sông gần đó. Khoa dùng dao đâm vào người Hùng hai nhát. Sau đó, Chưởng và Khoa bỏ trốn. Nạn nhân Hùng được người nhà đưa đi cấp cứu nhưng đã chết trước khi nhập viện.

Xử sơ thẩm tháng 7-2014, TAND tỉnh Tiền Giang tuyên phạt Chưởng 18 năm tù về tội giết người. Tòa buộc Chưởng bồi thường cho gia đình nạn nhân 71 triệu đồng, cấp dưỡng nuôi hai con của Hùng mỗi tháng 1,4 triệu đồng đến khi trưởng thành. Bị cáo Khoa bị phạt 10 tháng 10 ngày tù về tội cố ý gây thương tích (bằng thời gian tạm giam).

Sau đó, bị cáo Chưởng kháng cáo xin giảm án, còn bị cáo Khoa không kháng cáo.

Viện nói kiến nghị, tòa bảo hủy án

Tại tòa, bị cáo Chưởng cho rằng mình không phải là người đâm nạn nhân dẫn đến tử vong mà là Khoa... Hỏi vì sao đến phiên phúc thẩm mới thay đổi lời khai, bị cáo Chưởng cho biết trước đó giữa hai bị cáo có thỏa thuận Khoa thăm nuôi và lo phần bồi thường. Nhưng trong thời gian qua, Khoa không thăm nuôi, trong khi số tiền bồi thường quá nhiều nên bị cáo phải “nói lên sự thật”. Còn bị cáo Khoa cho rằng mình không gây ra cái chết cho nạn nhân và khi được tại ngoại bận làm nên không thăm nuôi bạn.

Công tố viên nhận định Chưởng và Khoa cùng tham gia gây ra vết thương cho nạn nhân. Trong trường hợp này, Khoa phải là đồng phạm của Chưởng về tội giết người. Tuy nhiên, vụ án chỉ có bị cáo Chưởng kháng cáo xin giảm án, không phải kêu oan dù đổi lời khai. Xét án sơ thẩm tuyên phần bị cáo này có căn cứ nên giữ nguyên. Còn bị cáo Khoa không có kháng cáo và không bị kháng nghị. Thế nhưng hành vi của Khoa có dấu hiệu đồng phạm giết người, cùng sử dụng hung khí tấn công nạn nhân. Việc xử lý như cấp sơ thẩm là bỏ lọt tội phạm, việc tuyên mức án bằng thời gian tạm giam là không bình thường. Từ đó, công tố viên đề nghị tòa kiến nghị giám đốc thẩm đối với trường hợp của Khoa để xử lý lại.

HĐXX cho rằng trong hai phiên tòa phúc thẩm (một lần bị hoãn giữa chừng), Chưởng đổi lời khai là “Sau khi có xung đột, Chưởng cầm dao bấm từ Khoa đâm vào mắt nạn nhân, không vào tim như quá trình điều tra và xét xử sơ thẩm đã nhận định. Việc khai như trước là do bị ép cung, gí súng vào đầu buộc khai”... HĐXX cũng đồng tình với nhận định của viện rằng Khoa là đồng phạm với Chưởng trong vụ án này.

Tuy nhiên, vụ án còn có nhiều điểm chưa làm rõ. Cụ thể, vết đâm dẫn đến tử vong do ai đâm, vết thương ở mắt có trong bản ảnh hồ sơ nhưng trong các tài liệu khác không đề cập. Bản ảnh năm vết thương, không phải bốn như các nhận định trước đây là dấu hiệu mới. Cạnh đó, tại sao các bị cáo đều khai đâm một nhát trúng tim nạn nhân nhưng người này vẫn đủ sức khỏe tấn công lại các bị cáo và thực nghiệm điều tra không có. Nếu Khoa là người đâm gây ra cái chết của nạn nhân thì tính chất, mức độ hành vi của bị cáo Chưởng phải được đánh giá lại, kể cả phần trách nhiệm dân sự.

Vì vậy, tòa căn cứ Điều 241 BLTTHS cho rằng cấp phúc thẩm xét thấy cần thiết thì vẫn có thể xem xét các phần khác không bị kháng cáo, kháng nghị của bản án. Từ đó, tòa tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại vụ án cho toàn diện chứ không tuyên án rồi kiến nghị như đề nghị của VKS.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm