Cưỡng chế 4 cọc căng bạt, chủ tịch phường thua kiện

Chiều 22-9, TAND TP Nha Trang, Khánh Hòa đã tuyên hủy Quyết định số 683 ngày 28-11-2014 của chủ tịch UBND phường Phước Long về cưỡng chế phá dỡ đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng tại chợ Phước Thái do bà Nguyễn Thị Hồng làm chủ đầu tư công trình. Bản án này đồng nghĩa với chủ tịch UBND phường Phước Long thua kiện nhưng người khởi kiện là bà Hồng lại cũng không hoàn toàn thắng kiện.

Hơn 40 người cưỡng chế bốn chiếc cọc

“Công trình xây dựng” mà chủ tịch UBND phường Phước Long ra quyết định cưỡng chế là bốn cọc sắt dùng để căng bạt che mưa nắng cho sạp tạp hóa của bà Hồng ở chợ Phước Thái. Trình bày trước tòa, bà Hồng - người khởi kiện vẫn còn uất ức đến trào nước mắt.

Bà Hồng buôn bán ở chợ Phước Thái đã 27 năm. Năm 1994, bà dựng hai cọc sắt để căng bạt che mưa nắng cho sạp hàng. Tháng 11-2014, khi hai cọc sắt cũ bị mục gãy, bà Hồng cùng chủ sạp bên cạnh dựng lại bốn cọc sắt mới để tiếp tục căng chung tấm bạt. Hầu hết các sạp khác ở chợ Phước Thái cũng đều dựng cọc căng bạt như vậy.

Thế nhưng ngày 26-11-2014, bà Vũ Thị Mai Hương, Chủ tịch UBND phường Phước Long, đã ban hành quyết định “đình chỉ thi công công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng đô thị”. Lý do là bà Hồng tổ chức thi công xây dựng công trình trên đất không được phép xây dựng. Quyết định này yêu cầu dừng ngay việc cấp điện, nước đối với công trình vi phạm; cấm các phương tiện vận tải vận chuyển, chở vật tư, vật liệu, người lao động vào thi công công trình. Quyết định còn nêu quá thời hạn ba ngày kể từ ngày ra quyết định, nếu chủ đầu tư không tự tháo dỡ công trình vi phạm thì sẽ bị cưỡng chế phá dỡ.

Hai ngày sau, đích thân chủ tịch UBND phường cùng nhiều lực lượng đến sạp bà Hồng kiểm tra, lập “biên bản vi phạm hành chính, xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị”. Vài tiếng sau, lực lượng công an đến dán trên sạp bà Hồng quyết định “cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng” do chủ tịch UBND phường ký ngày 28-11-2014. Chiều cùng ngày, UBND phường huy động hơn 40 người gồm nhiều lực lượng đến phá dỡ bốn cây cọc sắt cùng tấm bạt của bà Hồng.

Cùng với yêu cầu tòa hủy các quyết định trên, bà Hồng cũng yêu cầu UBND phường bồi thường 60 triệu đồng, trong đó 57 triệu đồng do hàng hóa bị hư hỏng và 3 triệu đồng tiền mua bốn cọc sắt.

Bà Nguyễn Thị Hồng (trái) yêu cầu giải thích bà vi phạm cái gì nhưng bà Nguyễn Thị Huệ, Phó Chủ tịch UBND phường Phước Long, TP Nha Trang (Khánh Hòa) không giải thích được. Ảnh: TẤN LỘC

Chủ tịch phường rút lại quyết định cưỡng chế

Chủ tọa hỏi: “Căn cứ nào phường không cho bà Hồng dựng cọc căng bạt?”.

Lúc đầu, bà Nguyễn Thị Huệ, Phó Chủ tịch UBND phường - được chủ tịch UBND phường ủy quyền tại phiên tòa, cho rằng bà Hồng vi phạm hành lang an toàn PCCC. Tuy nhiên, khi bà Hồng và luật sư (LS) của bà yêu cầu chủ tịch UBND phường giải thích bà Hồng vi phạm như thế nào, lấn chiếm ra sao thì bà Huệ không trả lời được.

Viện dẫn các tài liệu, LS của bà Hồng cho rằng bà không vi phạm hành lang an toàn PCCC. Sau khi xảy ra sự việc, 47 hộ tiểu thương ở chợ Phước Thái đồng ký xác nhận việc dựng cọc căng bạt của bà Hồng không ảnh hưởng gì đến xung quanh. “Bốn cây cọc sắt dựng tạm như vậy không thể xác định là công trình xây dựng nên không thuộc đối tượng xử lý vi phạm hành chính. Mặt khác, quyết định đình chỉ thi công yêu cầu bà Hồng trong thời hạn ba ngày phải tháo dỡ nhưng chỉ mới hai ngày chủ tịch UBND phường đã ban hành quyết định cưỡng chế rồi tổ chức tháo dỡ ngay trong ngày. Đến giờ phường vẫn không giải thích được bà Hồng vi phạm như thế nào. Nếu cho rằng bà Hồng vi phạm thì hầu hết các hộ tiểu thương ở chợ Phước Thái đều vi phạm” - LS nói.

Rút lại lý do bà Hồng vi phạm hành lang an toàn PCCC, bà Nguyễn Thị Huệ lại cho rằng vi phạm của bà Hồng là xây dựng công trình trên đất không được phép xây dựng. Tuy nhiên, bà Huệ thừa nhận việc chủ tịch UBND phường ban hành quyết định cưỡng chế, tổ chức tháo dỡ trước thời hạn quy định là “có nóng vội”, không đúng quy định. Bà Huệ cho rằng phường căn cứ quy chế phối hợp của UBND TP Nha Trang, trong đó nêu tổ chức cưỡng chế ngay trong ngày nếu vi phạm nhiều lần.

Tuy nhiên, sau khi nghe HĐXX phân tích quy chế trên vi phạm Luật Xây dựng và các nghị định, bà Huệ xin rút lại quyết định cưỡng chế của chủ tịch UBND phường.

Cuối cùng, bản án sơ thẩm tuyên chấp nhận một phần yêu cầu của bà Hồng, hủy quyết định cưỡng chế của chủ tịch UBND phường do vi phạm trình tự thủ tục theo quy định. Tuy nhiên, tòa bác yêu cầu của bà Hồng về việc hủy quyết định đình chỉ thi công vì cho rằng bà Hồng có vi phạm, việc xử lý có cơ sở. Tòa cũng bác yêu cầu của bà Hồng về bồi thường thiệt hại do việc cưỡng chế gây ra.

Trao đổi sau phiên tòa, bà Hồng cho biết sẽ kháng cáo bản án trên. “Tòa cho rằng tôi vi phạm trong khi phường không chứng minh tôi vi phạm như thế nào. Tòa tuyên như vậy, tôi cũng không được dựng lại cọc để căng bạt che mưa nắng. Chỉ vì mấy cái cọc sắt mà gia đình tôi đã khốn đốn mấy năm nay rồi!”.

Trời ơi! Bốn cây cọc sắt căng bạt mà gọi là công trình xây dựng! Cả chợ Phước Thái đều dựng cọc căng bạt như vậy chứ đâu mình tôi. Có lẽ do tôi nhiều lần tố cáo các sai phạm của ban quản lý chợ nên họ thù ghét chăng?

NGUYỄN THỊ HỒNG trình bày trước tòa

Bà (chỉ bà Nguyễn Thị Huệ, Phó Chủ tịch - người được chủ tịch UBND phường Phước Thái ủy quyền hầu tòa - PV) có biết việc cưỡng chế trước thời hạn như thế đã gây bức xúc trong nhân dân không? Thực tế có nhiều trường hợp vi phạm chứ đâu phải mình bà Hồng. Do đó người ta nói phường, ban quản lý chợ trù dập là có lý của họ!

Một hội thẩm, thành viên HĐXX phân tích tại phiên xử

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...