Cựu trung úy công an lãnh 18 năm tù tội giết người

Cuối giờ trưa 27-9, HĐXX đã tuyên án đối với các bị cáo Nguyễn Khiêm (38 tuổi, nguyên trung úy Công an TP Bà Rịa), Nguyễn Hiệp (32 tuổi, em trai Khiêm) và Phạm Văn Hoàng (32 tuổi, ngụ TP Bà Rịa) về tội giết người. Theo đó, bị cáo Hiệp phải nhận mức án 20 năm tù, bị cáo Khiêm 18 năm tù và bị cáo Hoàng 12 năm tù.

Theo HĐXX, bị cáo Khiêm là người đứng gần chứng kiến vụ việc, không làm gì để can ngăn, mặc cho hậu quả xảy ra và có nói câu “Chém chết m… nó đi cho tao”. Điều này được các nhân chứng là chị Yến, Dịu khẳng định qua đối chất tại CQĐT và tại phiên tòa.

Bị cáo Khiêm cho rằng mình không có ý định tước đoạt mạng sống của anh Tuấn. Tuy nhiên qua mô tả hành vi khách quan nêu trên chứng tỏ rằng bị cáo là người khởi xướng việc đánh anh Tuấn. Khiêm phải chịu trách nhiệm về hậu quả là cái chết của bị hại, lỗi của bị cáo là lỗi gián tiếp.

Bị cáo Khiêm là người mâu thuẫn chính với anh Tuấn và cũng là người có lỗi trước khi sàm sỡ với vợ bị hại. Nhưng bị cáo lại gọi em trai mình là Hiệp đến đánh anh Tuấn, bất chấp hậu quả xảy ra; Hiệp và Hoàng không có mâu thuẫn gì với anh Tuấn nhưng khi được nhờ đánh đã dùng hung khí nguy hiểm tấn công bị hại rất quyết liệt, dã man, bất chấp hậu quả. Vì vậy hành vi của các bị cáo là có tính chất côn đồ.

Với những hành vi được phân tích như trên có đủ căn cứ xét xử các bị cáo Hiệp, Hoàng, Khiêm về tội giết người với tình tiết tăng nặng định khung là có tính chất côn đồ.

Các bị cáo tại tòa.

Hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm hại đến tính mạng con người, gây bất mãn rất lớn trong dư luận, không gì bù đắp nổi cho gia đình và người thân bị hại, gây mất trật tự an ninh xã hội… Vì vậy phải xét xử các bị cáo một mức án nghiêm khắc, cân xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo.

Tính chất, mức độ phạm tội, hành vi của từng bị cáo như sau: Bị cáo Hiệp mặc dù không có mâu thuẫn với anh Tuấn nhưng khi được người khác nhờ đã dùng hung khí tấn công bị hại một cách quyết liệt, hung bạo, coi thường pháp luật, gây ra ba vết thương trí mạng cho anh Tuấn cùng một số vết thương có thể dẫn tới chết người. Điều đó chứng tỏ hành vi của bị cáo là rất dã man, tàn bạo, tình tiết tăng nặng là phạm tội đến cùng.

Đối với Hoàng, mặc dù cũng không có mâu thuẫn với anh Tuấn, thậm chí không biết mặt anh Tuấn là ai nhưng khi được rủ đi đánh dằn mặt, Hoàng hưởng ứng ngay. Thay vì can ngăn anh Hiệp thì lại tích cực tham gia cùng. Hoàng cũng là người đầu tiên dùng tay nắm đầu anh Tuấn đánh. Khi anh Tuấn ngã xuống, Hoàng cũng dùng chân đạp vào người anh Tuấn. Hành vi của bị cáo Hoàng cũng thể hiện tính chất côn đồ nhưng vai trò của Hoàng là đồng phạm giúp sức nên tính chất hành vi ít nguy hiểm hơn.

Đối với bị cáo Khiêm, mặc dù không phải người trực tiếp đánh anh Tuấn nhưng chính Khiêm là người khởi xướng đánh bị hại và cũng là nguyên nhân gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ và Khiêm là người có lỗi trước. Vì vậy việc xét xử Khiêm một mức án nghiêm khắc là cần thiết.

Về tình tiết giảm nhẹ, lúc đầu các bị cáo tại CQĐT và phiên tòa này lúc đầu còn khai báo quanh co, thiếu thành khẩn. Nhưng sau khi đối chất và giải thích của HĐXX, các bị cáo đã nhận thức được vi phạm của mình nên thể hiện được sự ăn năn hối hận. Các bị cáo đã bồi thường hỗ trợ gia đình bị hại tổng số tiền 500 triệu đồng, gia đình bị hại không yêu cầu bồi thường thêm. Các bị cáo có thân nhân tốt, gia đình có công với cách mạng cũng là một tình tiết giảm nhẹ.

Riêng bị cáo Hiệp có tình tiết tăng nặng là quyết liệt, phạm tội đến cùng khi chém anh Tuấn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm