Đại án Oceanbank: Di lý Phạm Công Danh ra Hà Nội

Ngày 27-2, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Hà Văn Thắm (cựu chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương - Oceanbank) và 47 đồng phạm trong vụ án xảy ra tại ngân hàng này. Hàng trăm người được triệu tập tới phiên tòa khiến phần thẩm tra căn cước kéo dài sang cả giờ làm việc buổi chiều.

Trong số những người được triệu tập tới tòa có bị án Phạm Công Danh (cựu chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng - VNCB), người đang phải thi hành án phạt tù 30 năm trong đại án thiệt hại 9.000 tỉ đồng xảy ra tại VNCB. Trong đại án Oceanbank, Phạm Công Danh được triệu tập với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Đẩy lái xe lên làm tổng giám đốc

Theo hồ sơ, đầu năm 2012, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương tái cơ cấu và sáp nhập các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) yếu kém. Do muốn thâu tóm một số ngân hàng TMCP về Oceanbank, Hà Văn Thắm gặp bà Hứa Thị Phấn là cổ đông lớn, đại diện nhóm cổ đông của Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trustbank) đặt vấn đề chuyển giao lại Trustbank cho Thắm.

Sau khi cho người vào điều hành, tiếp quản Trustbank, phát hiện có một số khoản vay lớn, dư nợ xấu không có khả năng thu hồi, cũng như nhiều mối quan hệ phức tạp giữa bà Phấn và các nhóm khách hàng này nên Thắm nảy sinh ý định chuyển nhượng lại Trustbank.

Hà Văn Thắm quen biết Phạm Công Danh (chủ tịch HĐQT Công ty TNHH một thành viên Tập đoàn Thiên Thanh) qua giới thiệu của Nguyễn Xuân Sơn, nguyên tổng giám đốc Oceanbank. Khi Thắm không muốn tiếp nhận Trustbank, Thắm đã gặp Danh để đặt vấn đề và Danh đồng ý mua lại Trustbank từ Thắm. Sau khi tiếp quản Trustbank, Phạm Công Danh làm thủ tục đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng - VNCB.

Giữa tháng 12-2012, Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh và bà Hứa Thị Phấn bàn bạc, thống nhất việc Thắm sẽ cho Danh vay 500 tỉ đồng từ Oceanbank và thế chấp bằng tài sản của bà Hứa Thị Phấn. Oceanbank cho Danh sử dụng pháp nhân Công ty TNHH một thành viên Thương mại và Dịch vụ Trung Dung vay số tiền này.

Tòa cũng triệu tập Trần Văn Bình, Giám đốc Công ty Trung Dung, tới tòa. Trần Văn Bình là lái xe cho Phạm Công Danh và được Danh nhờ đứng tên tổng giám đốc Công ty Trung Dung. HĐXX hỏi Bình: “Công ty Trung Dung còn hoạt động không”, Bình đáp: “Không biết”. HĐXX hỏi tiếp: “Ai là đại diện theo pháp luật của công ty?”. “Không biết” - Bình tiếp tục trả lời.

Mối quan hệ zic zac giữa Phạm Công Danh và Hà Văn Thắm góp phần tạo nên đại án Oceanbank. Trong ảnh: Bị cáo Hà Văn Thắm tại phiên xét xử. Ảnh: TTXVN

Tài sản đảm bảo 71 tỉ nhưng được vay 500 tỉ

Nguyên nhân dẫn đến việc Oceanbank không thu hồi được số tiền vay xuất phát từ các hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng. Số tài sản bảo đảm cho khoản vay 500 tỉ đồng nói trên gồm: 250 tỉ đồng vốn điều lệ của Công ty Trung Dung là không có thật, không có tính pháp lý; số tài sản đảm bảo không đảm bảo giá trị cho khoản vay nhưng Hà Văn Thắm, Nguyễn Văn Hoàn (nguyên phó tổng giám đốc Oceanbank) vẫn phê duyệt cho vay và cho vay vượt quá giới hạn quy định. Tổng giá trị tài sản bảo đảm cho khoản vay 500 tỉ đồng của Công ty Trung Dung tại thời điểm giải ngân chỉ có giá trị gần 71 tỉ đồng (tại thời điểm hiện nay là hơn 156 tỉ đồng).

Cáo trạng kết luận Thắm đã chỉ đạo và cùng với Nguyễn Văn Hoàn, phó tổng giám đốc Oceanbank, giải quyết cho Danh vay thông qua Công ty Trung Dung không đảm bảo điều kiện vay vốn, không có tài sản bảo đảm, trái với quy định của Ngân hàng Nhà nước. Việc làm này gây thiệt hại cho Oceanbank gần 350 tỉ đồng tiền gốc, chưa tính hơn 200 tỉ đồng tiền lãi quá hạn tính đến thời điểm 21-10-2014.

Cáo trạng của VKSND Tối cao cũng nhận định Phạm Công Danh và các đối tượng liên quan tại Công ty Trung Dung và Tập đoàn Thiên Thanh đã thừa nhận hành vi sai phạm của mình. Tuy nhiên, trước khi cho vay khoản vay này, Phạm Công Danh và Hà Văn Thắm là người trực tiếp thỏa thuận trong việc làm các thủ tục để Oceanbank cho Trung Dung (công ty của Danh) vay 500 tỉ đồng để thanh toán tiền Danh mua cổ phần Trustbank. Tuy nhiên, cáo trạng nhận định: “Hành vi của Phạm Công Danh và nhóm nhân viên của Danh không cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Sau một ngày chủ yếu làm thủ tục phiên tòa và đọc bản cáo trạng, hôm nay (28-2) phiên xử tiếp tục với phần xét hỏi.

Tạm đình chỉ vụ án một bị cáo bị bệnh ung thư

Chủ tọa Trần Nam Hà cho biết phiên xử vắng mặt bị cáo Nguyễn Thị Minh Phương (nguyên phó tổng giám đốc Oceanbank) vì người này bị bệnh ung thư. Sau khi nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử, bị cáo này phải vào Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu BV Bạch Mai điều trị. Bị cáo sức khỏe yếu, khó có thể tham dự phiên tòa được. Đại diện VKS sau đó đề nghị tạm đình chỉ vụ án đối với bị cáo.

“HĐXX thấy rằng quá trình điều tra bị cáo đã mắc bệnh ung thư, phải mổ và xạ trị nhiều lần. HĐXX quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với Nguyễn Thị Minh Phương. Vụ án sẽ tiếp tục được giải quyết khi lý do tạm đình chỉ không còn” - chủ tọa Trần Nam Hà cho biết sau khi HĐXX tiến hành hội ý.

Khi thẩm tra căn cước, hầu hết các nữ bị cáo đều không giữ được bình tĩnh, bật khóc khiến HĐXX phải nhiều lần dừng lại trấn an. “Đã đi vào phần nội dung gì đâu mà đã xúc động thế” - Thẩm phán Trương Việt Toàn nói.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...