Đám muội than tai hại

TAND tỉnh Bến Tre vừa xử phúc thẩm, sửa bản án sơ thẩm của TAND TP Bến Tre, buộc vợ chồng ông T. (quản lý một cơ sở sản xuất thạch dừa) cùng bà M. (mẹ ông T., chủ cơ sở này) phải liên đới bồi thường cho bà H. 163 triệu đồng.

Muội than bay qua nhà hàng xóm

Vụ án này báo Pháp Luật TP.HCMtừng thông tin sau phiên tòa sơ thẩm.

Theo đơn khởi kiện của bà H., chiều 2-9-2011, bà đi công việc vắng nhà thì nhận được cuộc điện thoại của đứa con gọi báo rằng nhà đang bị cháy. Bà tức tốc chạy về thì thấy căn nhà nấu thạch dừa phía sau của bà đang cháy dữ dội. Dù lực lượng cảnh sát chữa cháy có mặt kịp thời, tích cực dập lửa nhưng bà vẫn bị thiệt hại hơn 200 triệu đồng.

Nghi ngờ bị người khác phá hoại, bà H. đã yêu cầu Công an TP Bến Tre làm rõ. Ngày 17-7-2012, Công an TP Bến Tre đã có Thông báo số 09 trả lời bà H. về việc không có tội phạm xảy ra. Theo văn bản này, nguyên nhân vụ cháy là do các muội than mang nhiệt độ cao của ống khói lò đốt của xưởng sản xuất thạch dừa do ông T. quản lý (sát bên cơ sở sản xuất thạch dừa của bà H.) bị thổi bay rơi xuống mái lá khô nhà bà H. gây cháy mái lá. Từ đây, đám cháy phát triển đi các hướng gây cháy lớn.

Căn cứ vào nội dung văn bản trên, bà H. đã khởi kiện yêu cầu TAND TP Bến Tre buộc vợ chồng ông T. cùng bà M. phải liên đới bồi thường cho bà 163 triệu đồng.

Ra tòa, ông T. bảo gia đình ông không gây ra vụ cháy nhà bà H., việc khởi kiện của bà H. là không có căn cứ. Cơ sở sản xuất thạch dừa của gia đình ông có giấy chứng nhận đạt chuẩn của cơ quan phòng cháy chữa cháy nên việc xảy ra cháy nổ không phải là lỗi của gia đình ông, ông không chấp nhận bồi thường.

Xử sơ thẩm, TAND TP Bến Tre cho rằng bà M. là chủ cơ sở sản xuất thạch dừa liên quan, đứng tên hộ kinh doanh nhưng quá trình cơ quan chức năng thu thập chứng cứ, tài liệu sau khi vụ cháy xảy ra không có tên của bà, trong các biên bản cũng không có việc ủy quyền của bà (chỉ có tên ông T. - NV). Đồng thời, không có tài liệu nào chứng minh cơ quan chức năng kết luận cơ sở sản xuất thạch dừa của bà M. gây cháy cơ sở sản xuất thạch dừa của bà H. Từ đó, tòa bác yêu cầu của bà H., đồng thời buộc bà H. phải chịu án phí hơn 8 triệu đồng.

Lỗi vô ý, phải bồi thường

Ngay sau đó, bà H. đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên phúc thẩm mới đây, TAND tỉnh Bến Tre nhận định: Việc nhà bà H. bị cháy là có thật. Chứng cứ để bà H. khởi kiện là thông báo kết luận về nguyên nhân vụ cháy của Công an TP Bến Tre. Ông T. cũng thừa nhận hôm đó nhà ông có đốt lò nấu thạch dừa, ngoài nhà ông ra thì ông không biết có ai nấu thạch dừa hay không, nhà ông và nhà bà H. sát nhau. Như vậy, dựa vào kết luận của cơ quan công an và lời trình bày của các bên cho thấy đã có căn cứ xác định nguyên nhân cháy nhà bà H. là do muội than đốt lò từ nhà ông T. gây ra.

Theo luật, căn cứ để buộc trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng gồm các điều kiện là có thiệt hại xảy ra, có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật, có lỗi cố ý hoặc vô ý của người gây ra thiệt hại. Ở đây, vụ cháy trên thực tế có xảy ra và đã gây ra thiệt hại cụ thể, được hội đồng định giá là 234 triệu đồng. Trước khi xảy ra vụ cháy, bà H. từng nhắc nhở nhà ông T. sửa chữa lò nấu thạch dừa để tránh các muội than bay qua nhà bà nhưng phía ông T. không thực hiện, cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra. Như vậy, phía ông T. có lỗi vô ý, không đảm bảo an toàn khi đun nấu, đốt lò nên đã gây ra sự cố cháy nhà bà H. vào thời điểm gia đình bà H. không có ai ở nhà, không sử dụng vật dụng cháy nào.

Hơn nữa, theo tòa, lửa cũng là nguồn nguy hiểm cao độ. Theo luật, người sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại kể cả trong trường hợp không có lỗi. Do đó việc bà H. yêu cầu nhà ông T. phải bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm là có căn cứ. Việc tòa sơ thẩm bác đơn khởi kiện là gây thiệt hại cho bà H.

Giá trị thiệt hại của vụ cháy do hội đồng định giá kết luận là 234 triệu đồng nhưng bà H. chỉ yêu cầu bồi thường 163 triệu đồng (tương ứng 70% giá trị tài sản thiệt hại). Từ đó, tòa phúc thẩm đã tuyên án như trên.

Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó.

(Theo Điều 604 BLDS 2005)

Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật.

2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

3. Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:

a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

...

(Trích Điều 623 BLDS 2005)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm