Dẫn giải nhân chứng không được, tòa hoãn xử

Sáng 20-1, TAND thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) đã đưa vụ Đặng Văn Hải bị truy tố về tội cố ý gây thương tích ra xử sơ thẩm lần hai sau khi TAND tỉnh Đồng Tháp hủy án sơ thẩm để điều tra lại.

Vụ án đáng chú ý ở chỗ bị cáo Hải liên tục kêu oan, còn hai nhân chứng nữ từng có lời khai rằng Hải là người gây án, được cấp sơ thẩm sử dụng để kết tội Hải trước đây thì lại chưa từng xuất hiện tại các phiên tòa.

Dẫn giải nhân chứng không thành công

Tại phiên xử sáng qua, hai nhân chứng nữ tiếp tục không đến tòa dù đã được triệu tập hợp lệ. Ngay sau phần khai mạc phiên tòa, HĐXX đã quyết định tạm dừng phiên tòa để dẫn giải. HĐXX cũng quyết định dẫn giải nhân chứng Phan Huy Vũ, người mới được đưa vào tham gia tố tụng sau khi bản án sơ thẩm lần đầu bị hủy. Đến hơn 11 giờ, HĐXX vào lại phòng xử. Chủ tọa thông báo chỉ có nhân chứng Vũ được dẫn giải đến tòa, còn hai nhân chứng nữ không có mặt tại địa phương nên không thể dẫn giải.

Luật sư Ngô Trọng Hoàng (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Tháp, bào chữa cho Hải) cho rằng trong tuần trước, HĐXX cũng từng mở phiên tòa nhưng phải hoãn xử với lý do vắng mặt hai nhân chứng nữ này. Do đó, tới đây nếu cơ quan chức năng không dẫn giải được thì đề nghị HĐXX không chấp nhận lời khai của họ vì không được đối chất. Luật sư cũng đề nghị HĐXX kiến nghị cơ quan công an xác minh hai nhân chứng nữ này vắng mặt có lý do chính đáng hay không, nếu không thì phải truy cứu trách nhiệm của họ về việc không chấp hành triệu tập của tòa, gây cản trở cho việc xét xử.

Trình bày trước tòa, Hải cho biết Hải hoàn toàn bất ngờ khi bị bắt vì không có hành vi dùng chai bia đập đầu người khác như cáo buộc của CQĐT, VKS. Tòa cho Hải và nhân chứng Vũ đối chất. Nhân chứng nói ngồi nhậu chung ở bàn bên cạnh bàn của Hải, thấy Hải và một người nữa qua cụng ly rồi sau đó hai bàn cự cãi nhau, Hải cầm vỏ chai bia đập vô đầu nạn nhân. Hải thì khẳng định chỉ có mình Hải qua bàn bên cụng ly giao lưu, sau đó cự cãi nên Hải có hất cái bàn rồi quay về bàn mình…

Đặng Văn Hải ngoái đầu nhìn người thân. Gia đình đã làm đơn xin cho Hải tại ngoại ăn Tết chờ xét xử. Ảnh: PL

Lời khai mâu thuẫn nhưng không được đối chất

Như Pháp Luật TP.HCM từng thông tin, theo hồ sơ buộc tội, khoảng 22 giờ ngày 27-1-2016, Hải cùng mấy người bạn đến quán uống bia. Một người ở bàn nhậu khác nói lời khó nghe với Hải, Hải cự lại: “Giang hồ Hồng Ngự tao đánh ba đứa như mày!”, sau đó hai bên xảy ra ẩu đả.

Cáo trạng lần đầu xác định Hải túm lấy cổ áo của Nguyễn Minh Trực, đấm vào mặt và dùng vỏ chai bia đánh từ trên xuống trúng đầu của Trực gây thương tích. Hôm sau, Trực có đơn yêu cầu giám định tỉ lệ thương tích và xử lý hình sự Hải. Kết luận giám định pháp y của Trung tâm Pháp y tỉnh Đồng Tháp kết luận tổng tỉ lệ thương tật của Trực là 10% tại thời điểm giám định. Các thương tích gồm: Bốn chấn thương ngực, bụng, vai, chấn thương đầu không để lại dấu vết thương tích, xây xát da nách trái, vết thương phần vùng vành tai phải...

Quá trình điều tra và tại các phiên tòa sau đó, Hải đều kêu oan rằng không đánh Trực, không dùng chai bia đập đầu Trực. Ai là người gây ra thương tích cho Trực thì Hải không biết.

Hai nhân chứng nữ có lời khai tại CQĐT rằng nhìn thấy Hải dùng chai bia đánh vào đầu Trực. Trong khi đó, nhân chứng Nguyễn Văn Tý (nhậu chung bàn với Trực) trình bày trước tòa sơ thẩm lần đầu rằng không nhìn thấy Hải đánh Trực. Chủ quán nhậu cho biết anh có thấy cự cãi nhưng không thấy Hải đánh Trực, còn hai nữ nhân chứng đã ra về trước khi xảy ra sự việc ồn ào rất lâu. Tuy nhiên, HĐXX vẫn phạt Hải một năm sáu tháng tù về tội cố ý gây thương tích.

Bản án này đã bị TAND tỉnh Đồng Tháp hủy vì có nhiều vi phạm tố tụng: Lời khai của Hải và hai nhân chứng nữ mâu thuẫn nhưng cấp sơ thẩm không cho đối chất. Trực khai ngoài Hải ra còn có một thanh niên nữa cũng đánh Trực, Trực có chụp ảnh, cung cấp hình ảnh nhưng công an lại không làm rõ người này là ai để xác định thương tích của Trực do bao nhiêu người đánh. Biên bản nhận dạng của hai nhân chứng nữ không có kiểm sát viên chứng kiến, ký tên suốt quá trình tố tụng sơ thẩm nhưng khi hồ sơ kháng cáo được chuyển lên cấp phúc thẩm thì lại xuất hiện chữ ký của kiểm sát viên trong biên bản.

Ngoài ra, trong thời gian chuẩn bị xét xử phúc thẩm, có một người tên Phạm Văn Huy Vũ đến Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Hồng Ngự nộp tiền bồi thường thiệt hại, án phí hình sự, dân sự sơ thẩm trong vụ án. Tuy nhiên, Hải cho biết mình không quen, không biết người này. Hải và gia đình Hải không nhờ ai đi nộp thay. Hải kêu oan nên chắc chắn không đồng ý bồi thường. Tòa phúc thẩm yêu cầu khi điều tra lại thì cần làm rõ người lạ này là ai, có mục đích gì khi tự ý đi nộp tiền bồi thường.

Sau khi điều tra lại, cáo trạng lần hai tiếp tục truy tố Hải về hành vi dùng chai bia đánh vào đầu nạn nhân gây thương tật 10%.

Xem lại công tác bảo vệ nhân chứng

Theo Điều 55 BLTTHS, người làm chứng có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập và khai trung thực tất cả tình tiết mà mình biết về vụ án; nếu cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải. Người làm chứng từ chối hoặc trốn tránh việc khai báo mà không có lý do chính đáng thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 308 BLHS; khai báo gian dối thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 307 BLHS.

Hai nhân chứng nữ trong vụ án này tuy có lời khai nhưng không tham gia các phiên tòa. Việc này đã gây khó khăn cho việc đánh giá chứng cứ kết tội bị cáo. Theo tôi, công tác bảo vệ nhân chứng ở cấp sơ thẩm cần phải xem lại. Đồng thời CQĐT cần làm rõ lý do không đến phiên tòa của họ, họ có bị áp lực gì trong việc ra tòa làm chứng hay không…

Luật sư NGUYỄN VĂN HỒNG, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...