Để người nhà khám sức khỏe thay, bị sa thải

TAND TP.HCM vừa hoãn xử vụ bà TQT kiện Công ty TNHH P. (trụ sở tại quận 1) để phía công ty nộp thêm chứng cứ làm rõ tư cách của người ký quyết định sa thải bà T. vì người này khác với người ký hợp đồng lao động với bà T.

Làm bán thời gian vì chữa trị ung thư

Theo đơn khởi kiện bà T. nộp cho TAND quận 1 hồi tháng 5-2014, tháng 9-2009, bà ký hợp đồng lao động không thời hạn với Công ty P. với chức danh trưởng phòng Phát triển kinh doanh. Ba tháng sau, Công ty P. ký phụ lục hợp đồng nâng mức lương gộp tổng cộng của bà thành hơn 47,5 triệu đồng/tháng.

Tháng 2-2012, bà bị ung thu, phải đi bệnh viện điều trị ngoại trú. Tháng 6-2012, Công ty P. không cho bà làm việc toàn thời gian như trước vì người mắc bệnh ung thư phải nghỉ bệnh. Hai bên tạm hoãn hợp đồng lao động, ký hợp đồng tư vấn có hiệu lực từ giữa năm 2012 đến hết năm này để hợp thức hóa việc bà T. đi làm bán thời gian.

Khi hết hạn hợp đồng tư vấn, Công ty P. thông báo không gia hạn hợp đồng này nữa và yêu cầu bà T. nghỉ việc toàn thời gian đến khi có giấy ra viện. Tháng 3-2013, bà T. đến Công ty P. xuất trình giấy ra viện và quay lại làm việc thì không được công ty bố trí nơi làm việc. Sau đó, công ty thông báo cho bà nghỉ việc với lý do giảm quy mô kinh doanh nhưng bà không đồng ý, có nhiều văn bản phản hồi nhưng không thấy công ty hồi đáp.

Ngày 4-6-2013, Công ty P. họp kỷ luật bà T. với lý do bà không đi khám sức khỏe cuối năm 2012 theo định kỳ hằng năm công ty tổ chức mà để người khác đi thay. Một ngày sau, công ty ra quyết định sa thải bà.

Theo bà T., công ty lấy chuyện khám sức khỏe để sa thải bà là sai vì chuyện này đã được hai bên giải quyết xong từ trước. Cụ thể, thời điểm công ty tổ chức khám sức khỏe thì bà đang trong quá trình điều trị tại bệnh viện. Bà chỉ nghĩ đơn thuần công ty phải hoàn tất nghĩa vụ tổ chức khám sức khỏe cho nhân viên để báo cáo nên đưa suất này cho người nhà đi thay. Sau khi công ty phát hiện, bà đã giải trình, nhận sai...

Vì thế, bà T. yêu cầu tòa hủy quyết định sa thải của Công ty P., buộc công ty nhận bà vào làm việc lại, bồi thường tiền lương trong hơn 18 tháng không được làm việc cùng một số khoản khác, tổng cộng hơn 1 tỉ đồng.

Sa thải bởi gây thiệt hại gần 1,7 triệu đồng

Ngược lại, Công ty P. từ chối tất cả yêu cầu của bà T. Theo công ty, bà T. giữ vị trí quan trọng trong công ty. Thời gian bà bị bệnh ung thư, công ty đã rất thông cảm, tạo điều kiện cho bà đi khám, chữa bệnh. Trong đợt khám sức khỏe định kỳ hằng năm do công ty tổ chức, bà đã gian dối không tham gia mà để người nhà đi thay. Sau khi bị phát hiện, bà lại không tích cực nhận lỗi, sửa sai trong khi với cương vị của bà cần phải có tố chất trung thực, thẳng thắn.

Sau khi xem xét tình trạng của bà T., công ty đã gửi thông báo muốn thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động nhưng bà không có thiện chí, chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân. Do đó công ty mới xử lý kỷ luật sa thải vì bà có hành vi gây thiệt hại tài sản công ty gần 1,7 triệu đồng (tiền khám bệnh - NV) theo nội quy của công ty và BLLĐ.

Tòa cố hòa giải cũng không được

Cuối năm 2014, TAND quận 1 xử sơ thẩm phân tích: Sai phạm của bà T. xảy ra từ cuối năm 2012. Sáu ngày sau, Công ty P. đã phát hiện ra nhưng đến tháng 6-2013 mới xử lý kỷ luật bà T. là vi phạm Điều 86 BLLĐ 1994. Theo điều luật này, thời hiệu xử lý kỷ luật hành vi nhờ người nhà khám sức khỏe thay của bà T. tối đa chỉ là ba tháng kể từ ngày phát hiện vi phạm.

Mặt khác, bà T. gây thiệt hại có giá trị gần 1,7 triệu đồng nhưng dạng vi phạm này không được cụ thể hóa trong nội quy năm 2011 mà chỉ có trong nội quy tháng 5-2013 của công ty. Vi phạm của bà T. xảy ra cuối năm 2012 nên việc công ty áp dụng nội quy tháng 5-2013 là trái quy định của pháp luật. Ngoài ra, công ty còn thực hiện không đúng BLLĐ về thủ tục sa thải bà T.

Từ đó, TAND quận 1 đã hủy quyết định sa thải, buộc Công ty P. phải nhận bà T. vào làm việc lại và bồi thường hơn 885 triệu đồng.

Công ty P. kháng cáo. TAND TP.HCM đã nhiều lần mở phiên xử, tìm mọi cách hòa giải giữa hai bên. Chủ tọa đã cố thuyết phục hai bên rằng nếu nhân viên không đảm bảo sức khỏe thì gây khó cho công ty, ngược lại bản thân người lao động cũng từng có nhiều cống hiến, nay bị công ty cho nghỉ thì tinh thần gặp áp lực rất lớn. Hai bên đều có sơ suất, nên thương lượng với nhau để khép lại vụ án...

Tuy nhiên, các nỗ lực hòa giải của tòa đều bất thành. Hai bên bất hợp tác, luôn vặn vẹo nhau làm nóng các phiên xử. Cuối cùng tòa phải hoãn xử, khi thì để các bên bổ sung chứng cứ, khi thì để các bên có thời gian suy nghĩ...

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ kiện có diễn tiến mới.

NLĐ sai nhưng DN sa thải phải làm đúng luật

Việc người lao động (NLĐ) để người nhà đi khám sức khỏe thay trong kỳ khám do doanh nghiệp (DN) tổ chức là sai pháp luật lao động. Bởi lẽ DN có trách nhiệm tổ chức chăm lo, khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ và phải kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho NLĐ khi cần thiết. NLĐ phải đi khám sức khỏe để đảm bảo sức khỏe phục vụ công việc và cũng phòng ngừa bệnh nghề nghiệp cho bản thân. Nếu không biết chính xác tình trạng sức khỏe của NLĐ, DN có thể bố trí công việc không phù hợp gây tác động xấu, nguy hiểm đến sức khỏe của NLĐ, mặt khác công việc có thể không hiệu quả, làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của cả DN.

Theo luật, nếu DN chứng minh được NLĐ đưa người khác khám sức khỏe thay dẫn đến gây thiệt hại nghiêm trọng cho DN thì có quyền sa thải hay xử lý kỷ luật bằng hình thức khác. Tuy nhiên, hành vi vi phạm và các hình thức kỷ luật này phải được quy định trong nội quy lao động và được đăng ký với cơ quan quản lý lao động địa phương.

Mặt khác, BLLĐ quy định trình tự, thủ tục sa thải NLĐ rất chặt chẽ, nếu vi phạm thì ra tòa, DN sẽ thua kiện dù lý do sa thải là chính đáng. Hiện rất nhiều DN thường mắc các lỗi sau: Nóng vội kỷ luật mà không tuân thủ đúng trình tự, thủ tục; vi phạm thời hiệu; có sai sót về thẩm quyền xử lý và thủ tục ủy quyền đại diện; quên vai trò của công đoàn cơ sở...

Luật sư HỒ NGUYÊN LỄ, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...