Điều tra 1 phó chánh án bị tố nhận hối lộ

Chiều 8-12, Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, xác nhận công an tỉnh này đã nhận được đơn tố cáo của ông NVT (57 tuổi, trú xã Cư Yang, huyện Ea Kar) tố cáo bà Thẩm phán TTH, Phó Chánh án TAND huyện Ea Kar, về hành vi nhận tiền của ông T.

Gợi ý, bắt phải lo đủ 80 triệu đồng

Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi cho biết vụ việc đang trong quá trình thu thập hồ sơ. Bước đầu CQĐT đã cho mời bà TTH lên làm việc để xác minh, làm rõ thông tin trong đơn tố cáo.

Chiều cùng ngày, ông Kiều Thanh Dũng, Bí thư Huyện ủy Ea Kar, cho biết đã mời chánh án TAND huyện lên để nắm thông tin về vụ việc. “Vụ việc cơ quan điều tra đang làm” - ông Dũng cho biết ngắn gọn.

Theo tố cáo của ông T., vụ việc bắt nguồn từ một tai nạn giao thông xảy ra vào chiều tối 30-6. Lúc đó ông T. điều khiển xe tải 1,2 tấn đi chở heo cho một người em họ. Khi đến đoạn đường giao nhau giữa thôn 7 và thôn 8 xã Cư Yang, do tìm cách né ổ gà nên xe của ông đã va chạm với bà Trần Thị Giới (58 tuổi) khiến bà này tử vong.

Sau khi xảy ra tai nạn, ông T. và gia đình đã vay mượn, đưa cho gia đình bà Giới 110 triệu đồng. Gia đình bà Giới đã làm đơn bãi nại cho ông T. Đến cuối tháng 10-2016, ông T. nhận được quyết định của TAND huyện Ea Kar do Thẩm phán TTH ký thông báo đưa vụ án ra xét xử.

Theo ông T., từ khi ông nhận được quyết định của tòa, bà H. nhiều lần liên lạc bằng điện thoại gợi ý việc chạy tiền cho bà H. để được hưởng án treo, nếu không sẽ phải chịu mức án tù giam 5-15 năm. Sau khi nghe bà H. dọa mức án trên, ông T. hoang mang, lo sợ. “Tôi có hỏi dò phải lo hết bao nhiêu thì bà H. ra giá là 120 triệu đồng. Sau đó bà H. hẹn tôi đến nhà để trao đổi” - ông T. kể.

Vẫn theo ông T., sau nhiều lần liên lạc qua điện thoại, ngày 3-12, vợ ông đến gặp bà H. để trao đổi về gợi ý lo tiền “chạy án” mà bà H. nói trước đó. Tại cuộc nói chuyện này, bà H. nói với vợ ông nếu muốn cho chồng hưởng án treo thì lo 90 triệu đồng, còn không thì phải đi tù 5-10 năm. Vợ ông T. trình bày hoàn cảnh gia đình khó khăn và xin bớt 10 triệu đồng.

“Một ngày sau đó, tôi gọi điện thoại cho bà H. thông báo chỉ lo được 50 triệu đồng nhưng bà H. không chịu mà bắt phải lo đủ 80 triệu đồng” - ông T. trình bày.

Ông NVT đã tố cáo  Thẩm phán TTH, Phó Chánh án TAND huyện Ea Kar, Đắk Lắk. Ảnh: ĐD

Ghi âm, chụp ảnh, gửi đơn tố cáo rồi đưa tiền

Ông T. cho biết trước yêu cầu của vị nữ thẩm phán, sáng 5-12, vợ chồng ông đi vay lãi đủ số tiền 80 triệu đồng. Trưa cùng ngày, ông T. mang số tiền 80 triệu đồng đến nhà bà H. để giao như đã hẹn.

“Trước khi đưa tiền cho bà H., tôi đã chụp ảnh seri của một số tờ tiền và xếp lẫn lộn vào trong các xấp tiền. Đồng thời tôi cùng vợ làm đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng trung ương qua đường bưu điện. Xong xuôi, vợ chồng tôi đến nhà bà H. để giao tiền” - ông T. kể lại.

Cũng theo ông T., sau khi nhận tiền, bà H. còn dặn dò ông sáng 6-12 lên tòa gặp để bà hướng dẫn cách khai báo trước tòa.

Trong tất cả lần liên lạc và giao tiền trực tiếp, ông T. đã bí mật ghi âm và quay lại clip làm bằng chứng vạch trần hành vi sai trái của bà H.

Về động cơ thu thập bằng chứng để tố cáo bà H., ông T. chia sẻ: “Bản thân tôi là người vi phạm pháp luật thì phải chịu hình phạt theo đúng tính chất, mức độ về hành vi phạm tội của mình. Nếu như tôi đồng ý theo yêu cầu của bà H. rồi im lặng, để mặc không dám đấu tranh thì vô tình mình là người không thực hiện đúng nghĩa vụ với pháp luật, thiếu trách nhiệm với xã hội. Đồng thời, việc làm của mình sẽ khiến bà H. bẻ cong pháp luật, làm lợi cho bản thân”.

Ông T. cũng cho rằng việc làm của bà H. là cố tình chèn ép người dân kém hiểu biết ở vùng sâu, vùng xa như ông. “Tôi tha thiết mong các cơ quan chức năng có biện pháp bảo vệ cho tôi và gia đình theo quy định của Luật Tố cáo” - ông T. lo lắng.

Vụ việc có thể sẽ được chuyển cho Cục Điều tra VKSND Tối cao

Theo thông tin ban đầu thì hành vi nhận tiền của Thẩm phán-Phó Chánh án H. có dấu hiệu của tội nhận hối lộ. Hành vi của ông T. tố cáo tiêu cực trước khi đưa tiền thì không phạm tội. Theo khoản 6 Điều 289 BLHS thì người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Ngoài ra, nếu người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Căn cứ vào Điều 103 BLTTHS, việc Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk kịp thời vào cuộc xác minh điều tra theo như nội dung đơn tố giác của ông T. như vậy là rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, ở đây người bị tố giác là người có chức vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp nên vụ việc có thể sẽ được chuyển cho Cục Điều tra VKSND Tối cao.

Luật sư NGUYỄN VĂN ĐỨC, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ

PHƯƠNG LOAN ghi

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...