VỤ “CHẬM TRẢ TIỀN CỦI, BỊ KẾT TỘI ĐẾN CÙNG”

Đỏ mắt tìm không ra người bị hại

Sáng 12-2, TAND huyện Củ Chi (TP.HCM) đưa vụ án Đỗ Minh Tâm bị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản chỉ vì chậm trả tiền củi ra xử sơ thẩm lần ba. Tòa đã kết tội Tâm và tuyên phạt cảnh cáo.

Đòi bồi thường oan thì bị khởi tố tiếp

Cuối năm 2005, Tâm xin làm thuê cho ông Phạm Văn Hạnh (Dầu Tiếng, Bình Dương). Tâm lo kiếm mối mua củi, thỏa thuận giá cả, lái xe giao hàng, rồi nhận tiền về đưa lại cho chủ để nhận huê hồng. Sau lần Tâm bị CSGT xử phạt thì ông Hạnh cho Tâm nghỉ. Nghỉ bất ngờ nhưng còn tiền hàng chưa nhận nên đến ngày hẹn, Tâm vẫn đến một công ty gốm sứ nhận hơn 13 triệu đồng tiền củi nơi này còn nợ. Ông Cao, người của công ty gốm sứ, là người giao tiền cho Tâm. Số tiền này Tâm chưa trả ngay cho ông Hạnh mà đem trả nợ.

Ông Hạnh biết chuyện và tố cáo. Tâm bị khởi tố tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tháng 6-2011, TAND huyện Củ Chi trả hồ sơ do chưa đủ cơ sở kết tội. Sau đó Tâm được đình chỉ với lý do “chuyển biến của tình hình”.

Tâm đi đòi bồi thường oan thì bị khởi tố tiếp. Tháng 2-2014, Tòa Củ Chi kết án Tâm chín tháng tù treo về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bản án này đã bị TAND TP.HCM tuyên hủy để cấp sơ thẩm xác định lại chính xác ai là “người bị hại” (ông Hạnh hay ông Cao) và để xem liệu có đáng phải truy cứu trách nhiệm hình sự Tâm hay không. Tòa cũng yêu cầu cấp sơ thẩm làm rõ có hay không sự tác động của VKS vào đơn tố cáo của ông Cao để làm xấu đi tình trạng của Tâm...

Đỗ Minh Tâm viết đơn kháng cáo ngay sau khi tòa tuyên án. Ảnh: PL

Cho đổi vai nhưng chẳng ai muốn nhận

Suốt quá trình tố tụng, bà chủ công ty gốm sứ (bên mua củi) không có mặt tại tòa nhưng có lời khai thừa nhận chỉ biết Tâm và giao dịch mua bán với Tâm. Việc mua bán củi, bà đồng ý (hợp đồng miệng) qua điện thoại rồi Tâm là người đến giao củi và ký nhận tiền hàng từ ông Cao. Bà không biết ông Hạnh là ai, không bị thiệt hại nên không có yêu cầu gì.

Tương tự, ông Cao có lời khai tại cơ quan điều tra rằng ngày Tâm đến lấy số tiền còn lại, Tâm có ký nhận như mọi khi, ông đã nhận củi và đã trả tiền củi, không bị thiệt hại gì nên không có ý kiến gì. Sau đó ông Cao có đơn tố cáo nhưng ngày 8-7-2013 (sau khi có cáo trạng lần hai), ông Cao có đơn bãi nại vì “Tâm đã trả xong tiền cho người bị hại (tức ông Hạnh). Tôi đã nghỉ làm tại lò gốm và vụ án này không còn liên quan gì đến tôi”.

Ở bản án sơ thẩm lần hai, TAND huyện Củ Chi đã xác định ông Cao là người bị hại, còn ông Hạnh là người liên quan.

Khi điều tra lại, ông Hạnh nói ông đã nhận đủ tiền, không muốn dính líu gì đến vụ án nữa. Tương tự, ông Cao cũng nói ông không còn liên quan gì nữa. Kết luận điều tra lại cũng không xác định ai là người bị hại. Cáo trạng lần ba tuy không nêu rõ ai là người bị hại nhưng lại kết luận Tâm dùng thủ đoạn gian dối lừa ông Cao để… chiếm đoạt tiền của ông Hạnh.

Tại phiên tòa hôm qua (12-2), tòa xác định ông Hạnh là người bị hại, còn ông Cao và công ty mua củi là người liên quan. Cả ông Cao và ông Hạnh đều không đến dự. Trước đó hai ông này cũng vắng mặt nên tòa đã hoãn xử.

Luật sư đề nghị phải làm rõ ông Cao bị thiệt hại gì vì theo cáo trạng lần ba thì “tuy ông Cao không bị thiệt hại về vật chất nhưng sau vụ này ông không được tăng lương. Do lương thấp không đủ trang trải nên phải nghỉ việc, mà nghỉ việc cũng không được hưởng đồng trợ cấp nào, từ đó kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn”. Cáo trạng cho thấy ông Cao có bị thiệt hại vì thiệt hại bao gồm thiệt hại vật chất và thiệt hại tinh thần. Do đó phải xác định lại tư cách tham gia tố tụng của ông Cao.

Kết tội khiên cưỡng

Tại tòa, Tâm trình bày: “Khi cho tôi nghỉ việc, ông Hạnh và tôi có ngồi lại tính toán công nợ. Ông Hạnh nhắc tôi số tiền khách nợ chưa lấy về. Tôi đến nhận tiền, ông Cao đưa tiền như đã hẹn. Tôi mang tiền về, có ghé ông Hạnh hai lần để đưa nhưng không gặp. Rồi mẹ tôi bệnh, tôi xài thâm vào số tiền đó. Ông Hạnh tố cáo nhưng sau đó đã đồng ý cho tôi đi làm thợ hồ trả nợ dần”.

Đại diện VKS nói không có chứng cứ cho rằng khi cho Tâm nghỉ việc, ông Hạnh có nhắc Tâm chuyện tiền hàng chưa lấy về. Trong khi đó, tại bản đối chất giữa ông Hạnh và Tâm tại công an (sau khi tòa phúc thẩm hủy án) thể hiện ông Hạnh khẳng định không nói câu đó. Còn Tâm thì không có ý kiến gì, chỉ yêu cầu cho đối chất với ông Hạnh tại tòa. “Đã bị cho nghỉ việc mà Tâm vẫn tới lấy tiền hàng, nói mang về cho ông Hạnh nhưng lại lấy xài tức là đã có hành vi gian dối để làm cho ông Cao lầm tưởng là Tâm còn làm việc nhằm chiếm đoạt tiền của ông Hạnh” - VKS lập luận.

Tranh luận lại, luật sư Nguyễn Tấn Thanh (Đoàn Luật sư TP.HCM, người bào chữa miễn phí cho Tâm suốt bốn năm qua) khẳng định Tâm không lừa ai cả, vụ việc này chỉ đơn thuần là quan hệ dân sự. “Tâm chỉ có thiếu sót là chậm đưa tiền. Sau đó hai bên đã thỏa thuận và ông Hạnh cho phép Tâm trả dần. Cụ thể, tháng 4-2010, Tâm đã trả 5 triệu đồng và tháng 4-2011, Tâm trả tiếp số còn lại. Hơn nữa, trong biên bản đối chất cũng thể hiện hai bên thỏa thuận phương thức và thời hạn trả nợ. Nếu Tâm không làm đúng thỏa thuận thì ông Hạnh có quyền kiện Tâm ra tòa để đòi. Do đó việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Tâm là không có cơ sở” - luật sư khẳng định.

Tuy nhiên, cuối cùng tòa vẫn tuyên Tâm phạm tội lừa đảo với nhận định: “Sau khi bị cho nghỉ việc, Tâm đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của ông Hạnh bằng hành vi làm cho ông Cao tưởng rằng Tâm còn làm cho ông Hạnh để ông Cao đưa tiền. Nhận tiền rồi, Tâm lại mang tiêu xài cá nhân. Như vậy, đủ cơ sở kết luận Tâm đã có hành vi gian dối chiếm đoạt tiền, tức đã phạm tội lừa đảo như truy tố”.

Tòa vừa tuyên án xong, Tâm liền viết đơn kháng cáo và nộp ngay cho tòa vào chiều qua (12-2).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm