Đưa người đi cai nghiện, còn gặp vướng

Mới đây, TAND TP.HCM đã tổng kết, đưa ra nhiều kinh nghiệm, kiến nghị giải quyết vướng mắc mà tòa gặp phải trong hoạt động áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại tòa án. Trong đó, đáng chú ý nhất là các vướng mắc trong việc đưa người không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Xác minh nơi cư trú chưa rõ ràng

Theo TAND TP.HCM, phần lớn các hồ sơ đề nghị đưa người không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đều được cơ quan chức năng thực hiện chặt chẽ, đúng luật. Việc tập trung người nghiện không có nơi cư trú ổn định vào các trung tâm xã hội ở TP trong thời gian chờ tòa xem xét ra quyết định, cùng việc bố trí đầy đủ phòng họp, phòng làm việc tại các trung tâm xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tòa ở TP. Thời gian qua, rất ít trường hợp các tòa phải hoãn phiên họp vì vắng mặt người bị đề nghị đưa đi cai nghiện, đồng thời việc thi hành quyết định của tòa cũng được thực hiện dễ dàng...

Tuy nhiên, thực tế đã phát sinh vướng mắc xung quanh việc xác định nơi cư trú ổn định của người bị đề nghị đưa đi cai nghiện bắt buộc, dẫn đến việc các thẩm phán khó đánh giá là người bị đề nghị có nơi cư trú ổn định hay không.

Cụ thể, có những hồ sơ mà kết quả xác minh không rõ ràng. Chẳng hạn xác minh hộ khẩu thường trú hoặc đăng ký cư trú không đúng hướng dẫn tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 221/2013 của Chính phủ (nơi cư trú ổn định là nơi người vi phạm thường trú hoặc tạm trú nhưng phải là nơi người đó thường xuyên sinh sống).

Thậm chí có những trường hợp phía cơ quan công an còn xác định mâu thuẫn về tình trạng cư trú của người bị đề nghị. Như có vụ công an một phường xác định ông X không thường xuyên cư trú tại địa phương nhưng sau đó người nhà ông X lại xuất trình văn bản do phó công an phường này xác nhận ông X thường xuyên sinh sống tại đây.

Vụ khác, công an phường lập hồ sơ xác định ông NTH là con nghiện không có nơi cư trú rõ ràng. Khi tòa mở phiên họp, ông H. bức xúc nói cảnh sát khu vực cố tình đưa ông vào trung tâm xã hội trái pháp luật. Đại diện UBND phường cho biết ông H. được mượn 3 triệu đồng từ quỹ tái hòa nhập cộng đồng từ tháng 5-2015 đến tháng 8-2015. Ông H. đã trả được 600.000 đồng, từ cuối tháng 8-2015 thì không tiếp tục trả cho đến nay. Ngày 3-11-2015, ông H. được đưa vào Trung tâm Thanh thiếu niên II. Như vậy, việc ông H. có thực sự cư trú tại địa phương hay không chưa được làm rõ nên thẩm phán không thể ra quyết định đưa ông H. đi cai nghiện bắt buộc.

TAND TP còn nêu ra trường hợp cơ quan công an có thẩm quyền xác định tình trạng cư trú đã gửi văn bản yêu cầu xác minh tới cơ quan công an nơi người bị đề nghị đang sinh sống nhưng quá 15 ngày, cơ quan công an nơi người bị đề nghị đang sinh sống vẫn không có văn bản trả lời...

Xác định tình trạng nghiện còn sơ sài

Bên cạnh đó, các tòa còn gặp khó khăn trong việc đánh giá tình trạng nghiện của người bị đề nghị đưa đi cai nghiện bắt buộc.

Theo Điều 9 Nghị định 221/2013, hồ sơ đề nghị áp dụng đưa người đi cai nghiện bắt buộc gồm: Bản tóm tắt lý lịch, phiếu trả lời kết quả của người có thẩm quyền về tình trạng nghiện ma túy hiện tại của người bị đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc... Trong khi đó, một số phiếu xác minh tình trạng nghiện của người có thẩm quyền lại ghi khá đơn giản, sơ sài, không nói rõ người bị đề nghị có nghiện ma túy hay không theo các quy định hiện hành.

Ngoài ra, khoản 1 Điều 10 Nghị định 221/2013 quy định người có thẩm quyền xác định người nghiện ma túy là bác sĩ, y sĩ trạm y tế cấp xã, bệnh xá quân y, phòng khám khu vực, bệnh viện cấp huyện trở lên, phòng y tế của cơ sở cai nghiện bắt buộc có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và chứng chỉ tập huấn về điều trị cắt cơn nghiện ma túy do cơ quan có thẩm quyền cấp. Tuy nhiên, hiện nay TAND TP chưa nhận được danh sách các y, bác sĩ được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và chứng chỉ tập huấn về điều trị cắt cơn nghiện ma túy thuộc trạm y tế xã, bệnh xá quân y, phòng khám khu vực, bệnh viện cấp huyện trở lên.

Năm 2015, có 3.532 vụ đề nghị đưa đi cai nghiện

Năm 2015, các tòa quận, huyện tại TP.HCM đã thụ lý 3.532 vụ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, giải quyết 3.490 vụ (đình chỉ 75 vụ, ra quyết định áp dụng 3.374 vụ, không áp dụng hai vụ, chuyển trả hồ sơ 39 vụ). Họp phúc thẩm do có kháng nghị hoặc khiếu nại, có 29 vụ được hủy quyết định áp dụng, 88 vụ được giảm thời hạn chấp hành.

Các tòa cũng đã thụ lý hai vụ đề nghị đưa vào trường giáo dưỡng (ra quyết định đưa vào trường giáo dưỡng cả hai vụ); thụ lý 148 vụ đề nghị đưa vào cơ sở quản lý bắt buộc (ra quyết định đình chỉ ba vụ, quyết định áp dụng 133 vụ và ra quyết định không áp dụng 12 vụ)...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm