Giảm án oan: Chú trọng việc điều tra ban đầu

Theo Thẩm phán Vũ Phi Long, đúng như kết quả giám sát án oan của Quốc hội, cội nguồn đầu tiên dẫn đến oan, sai xuất phát từ việc điều tra ban đầu của cơ quan điều tra (CQĐT) có sai sót. Cũng từ đây dắt dây đến các sai phạm khác của VKS, còn tòa thì không nhận ra để yêu cầu điều tra lại hoặc điều tra bổ sung.

Điều tra ban đầu thiếu sót

. Phóng viên: Vậy thưa ông, nguyên nhân nào dẫn đến việc điều tra ban đầu có sai sót?

+ Thẩm phán Vũ Phi Long: Một số vụ án oan, sai bắt nguồn từ năng lực, trình độ của điều tra viên chưa đạt. Chẳng hạn tại hiện trường vụ án có rất nhiều chứng cứ vật chất nhưng do nôn nóng và non kinh nghiệm, nhiều điều tra viên chỉ thu thập một ít chứng cứ họ thấy, dẫn đến thiếu sót khó khắc phục về sau. Có những chứng cứ không được thu thập trong quá trình điều tra ban đầu, đến khi trả hồ sơ điều tra bổ sung thì không thể phục hồi được như dữ liệu điện thoại hay các dấu vết sinh học trên người nạn nhân. Nói cách khác, có những chứng cứ có giá trị chứng minh tội phạm chỉ có thể thu thập ngay ở giai đoạn ban đầu bởi theo thời gian nó sẽ mất.

Lấy ví dụ vụ hai bị can đánh chết người vi phạm cự cãi cảnh sát giao thông ở quận Tân Phú (TP.HCM). Ngay từ đầu, CQĐT đã không thu giữ điện thoại của hai bị can sử dụng vào buổi tối gây án để trích xuất nhật ký điện thoại, làm rõ ai đã gọi cho họ, dẫn đến các tranh cãi cho đến nay, trong khi việc thu giữ không có gì khó.

Ông Trương Bá Nhàn, người từng bị giam oan 1.346 ngày vì CQĐT, VKS nóng vội khởi tố. Ảnh: T.TÙNG

Việc điều tra ban đầu không thu thập đầy đủ chứng cứ, không đảm bảo chứng cứ dễ dẫn đến làm oan cũng như dễ để lọt tội phạm. Nhiều vụ án đôi khi chỉ có chứng cứ là lời khai ban đầu, vài dấu vết thông thường nhưng CQĐT, VKS đã vội vàng khởi tố rồi đẩy mạnh điều tra, một thời gian ngắn sau dẫn đến truy tố. Hay như việc cơ quan tố tụng tin vào các lý giải hết sức mơ hồ của giám định. Chưa nói đến việc đã lỡ bắt giam, khởi tố lại có tâm lý củng cố chứng cứ theo hướng có tội, dẫn đến mớm cung, dụ cung, thậm chí là bức cung, dùng nhục hình.

. Thưa ông, ngoài việc điều tra sơ sài, có thiếu sót, phải chăng việc còn để xảy ra dụ cung, mớm cung, bức cung, dùng nhục hình cũng là nguyên nhân dẫn đến án oan?

+ Điều này rất đúng. Theo tôi, án oan có hai dạng: Dạng thứ nhất là oan hoàn toàn do bị bức cung, bị dùng nhục hình, bị buộc nhận tội. Dạng thứ hai là có sự vi phạm tố tụng, không đảm bảo đúng pháp luật, dẫn đến việc kết tội không thuyết phục.

Như tôi đã nói, khâu điều tra ban đầu rất quan trọng bởi khi làm oan một người, chúng ta đã tạo ra hậu quả kép: Vừa gây hậu quả với người bị oan và gia đình họ, vừa không tìm được chính xác thủ phạm gây án, để tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm cho xã hội. Cạnh đó, có những vụ xác định được thủ phạm gây án nhưng chỉ do việc thu thập chứng cứ có thiếu sót mà họ được coi là oan và được trả tự do. Điều này cũng làm ray rứt những người tiến hành tố tụng!

Kiểm sát chặt chẽ hơn việc điều tra

. Còn vai trò của VKS và KSV khi để xảy ra án oan thì sao, thưa ông?

+ KSV với trách nhiệm tố tụng là buộc họ phải nhìn ra thiếu sót về chứng cứ ban đầu như đã phân tích trên để có hướng điều tra đi vào thực chất đúng người, đúng tội. Mặt khác, cần tăng cường hơn vai trò của KSV để kiểm sát chặt hơn việc điều tra.

Chẳng hạn ngay từ giai đoạn khám nghiệm hiện trường, KSV phải ghi nhận đầy đủ các dấu vết ban đầu, khi thấy có thiếu sót hay tình tiết mâu thuẫn thì phải có ý kiến yêu cầu làm rõ ngay. Vào giai đoạn điều tra, VKS sẽ là nhân tố tích cực trong việc tránh mớm cung, nhục hình. Và để tránh oan sai, ngay từ đầu khi chứng cứ buộc tội không đầy đủ hay chứng cứ không đủ chứng minh việc phạm tội thì VKS phải thể hiện quan điểm, không dễ dàng thông qua kết luận điều tra. Có như vậy việc buộc tội mới chính xác và không làm oan...

Tòa phải thận trọng

. Có một thực trạng là nhiều vụ chứng cứ buộc tội yếu và thiếu nhưng tòa không mạnh dạn tuyên bị cáo không phạm tội mà cứ trả hồ sơ, ông nghĩ sao?

+ Ở giai đoạn xét xử chắc chắn không có chuyện bức cung, nhục hình. Lúc này, việc nghiên cứu hồ sơ để chuẩn bị xét xử có vai trò quan trọng để đảm bảo tuyên án đúng người, đúng tội. Nếu phát hiện chứng cứ chưa đầy đủ, tình tiết có sự mâu thuẫn thì thẩm phán sẽ ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Việc điều tra càng đầy đủ bao nhiêu thì càng tránh được oan, sai, lọt người lọt tội bấy nhiêu.

Tại phiên tòa, việc xét xử phải chú trọng tranh tụng. HĐXX cần phải lắng nghe toàn diện tất cả ý kiến, không bỏ sót tình tiết nào, làm rõ các chứng cứ buộc tội lẫn gỡ tội, nếu có tình tiết, chứng cứ chưa rõ thì kiên quyết dừng phiên tòa để làm rõ. Không thể vì áp lực thời gian và nhận thức chủ quan của thẩm phán mà quyết xử cho bằng được khi còn lấn cấn bởi đó cũng là nguyên nhân dẫn đến oan, sai.

BLTTHS hiện hành quy định tòa được trả hồ sơ điều tra bổ sung tối đa hai lần trước khi đưa vụ án ra xét xử. Theo tôi, cần thiết phải bổ sung quy định là tại phiên tòa thì HĐXX được trả hồ sơ bao nhiêu lần. Hiện nay không có quy định nên khó tránh tình trạng trả hồ sơ vô tội vạ.

Tôi nghĩ luật cần giới hạn việc trả hồ sơ điều tra bổ sung tại phiên tòa, cụ thể chỉ nên cho HĐXX trả một lần dựa trên việc tranh tụng tại tòa. HĐXX phải ghi nhận ý kiến của tất cả các bên như đại diện VKS, luật sư, bị cáo, người bị hại... về việc trả hồ sơ này. Nếu VKS không đồng ý với việc trả hồ sơ đó thì trong thời gian ngắn nhất tòa mở lại phiên xử. Sau đó, kết quả thế nào là do HĐXX quyết định.

. Xin cám ơn ông.

Thiếu chứng cứ buộc tội, tuyên không phạm tội

Khi xét xử, Thẩm phán Vũ Phi Long từng không ít lần tuyên bị cáo không phạm tội khi chứng cứ buộc tội không vững chắc. Chẳng hạn trong vụ án mạng của một nữ bảo vệ xí nghiệp sắt tráng men tại quận 8, bị cáo từng hai lần bị tuyên án tử hình nhưng cả hai bản án đều bị tòa cấp trên hủy vì thiếu chứng cứ buộc tội. Lần thứ ba, Thẩm phán Long được phân công giải quyết án. Tại phiên xử sơ thẩm, sau khi đã làm rõ mọi mâu thuẫn của vụ án, ông đã tuyên bị cáo không phạm tội giết người như VKS truy tố vì không đủ cơ sở, chỉ tuyên án về tội cướp tài sản. Sau đó, VKS không kháng nghị, tòa phúc thẩm cũng tuyên y án sơ thẩm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm