Gỡ vướng bộ luật dân sự: Khi nào hợp đồng vô hiệu?

Ngày 18-12, các chuyên gia pháp luật đã tiếp tục mổ xẻ những bất cập về chế định hợp đồng trong hội nghị tổng kết thi hành BLDS của Bộ Tư pháp.

Quá chú trọng đến hình thức

Theo PGS-TS Dương Đăng Huệ (Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế Bộ Tư pháp), các quy định hiện hành trong BLDS khiến cho việc tuyên hợp đồng vô hiệu trở nên rất dễ dàng. Điều này khiến quyền lợi của các bên không được đảm bảo và vô hiệu hóa nguyên tắc thỏa thuận của BLDS.

Cụ thể, Điều 401 BLDS quy định hợp đồng không bị vô hiệu trong trường hợp có vi phạm về hình thức nhưng lại thòng thêm một câu “trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Quy định này khiến cho nhiều luật chuyên ngành mở rộng ra rất nhiều trường hợp bắt buộc hợp đồng phải làm bằng văn bản. Hướng sửa đổi dự kiến theo TS Huệ là chỉ quy định hạn chế một số loại hợp đồng dứt khoát phải làm bằng văn bản.

Gỡ vướng bộ luật dân sự: Khi nào hợp đồng vô hiệu? ảnh 1

Làm thủ tục công chứng hợp đồng tại phòng công chứng só 1, TP.HCM. Ảnh: HTD

Cạnh đó, BLDS hiện hành cũng quy định vi phạm bất cứ điều cấm nào của pháp luật cũng bị tuyên vô hiệu, không phân biệt vi phạm đó là nghiêm trọng hay không. Theo TS Huệ, điều này hoàn toàn không cần thiết vì một số vi phạm có thể sử dụng chế tài hành chính hoặc bồi thường thiệt hại. Chỉ có những vi phạm nghiêm trọng dẫn đến phạm tội mới có thể bị vô hiệu.

Đồng tình, TS Đỗ Văn Đại (giảng viên Trường Đại học Luật TP.HCM) cho rằng những quy định của BLDS đang... ủng hộ sự bội ước. Ở nước ta, trong trường hợp những hợp đồng không công chứng theo quy định thì tòa án sẽ cho ba tháng để khắc phục. Nếu không khắc phục được thì tòa sẽ tuyên vô hiệu. Ngược lại, ở một số nước, nếu đã quy định bắt buộc mà anh (người bán) không công chứng thì tòa sẽ công nhận luôn vì anh đã thể hiện sự gian dối.

TS Dương Anh Sơn (giảng viên Đại học Quốc gia TP.HCM) đặt vấn đề: “Tại sao không căn cứ vào ý chí của các bên khi lập hợp đồng mà cứ quan tâm đến hình thức?”. Cạnh đó, một số đại biểu khác còn cho rằng các điều luật về giao kết hợp đồng trong BLDS phải được tinh gọn hơn để hạn chế và đảm bảo hợp đồng không bị vô hiệu.

Thời điểm giao kết hợp đồng: Chưa chặt

Theo Thạc sĩ Lê Minh Hùng (giảng viên Trường Đại học Luật TP.HCM), BLDS quy định thời điểm giao kết hợp đồng dựa vào hình thức hợp đồng. Điều này chưa logic và chặt chẽ.

Cụ thể, trong thực tiễn không phải lúc nào các bên cũng chỉ sử dụng một hình thức duy nhất để giao kết hợp đồng với nhau. Mặt khác, pháp luật cũng không cấm và cũng không có quy định nào bắt buộc các bên phải giao kết hợp đồng bằng một hình thức duy nhất.

Chẳng hạn bên đề nghị gửi chào hàng bằng văn bản, còn bên được đề nghị có thể trả lời bằng lời nói trực tiếp hoặc bằng cách gọi điện thoại, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Trong trường hợp này, chúng ta không thể xác định thời điểm giao kết hợp đồng dựa vào hình thức hợp đồng như quy định được.

Trong thực tiễn xét xử, tòa án cũng đã gặp nhiều lúng túng trong trường hợp các bên sử dụng đồng thời nhiều hình thức và phương thức khác nhau để giao kết một hợp đồng. Ví dụ, trong một vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm, các bên đã không thống nhất được với nhau về thời điểm giao kết hợp đồng vì hình thức giao kết khác nhau.

Theo nội dung vụ án, khoảng 11 giờ, bên mua bảo hiểm đã gọi điện thoại và gửi văn bản để đề nghị bên bảo hiểm cấp đơn. Bên bảo hiểm đã trả lời trực tiếp bằng điện thoại về việc đồng ý giao kết hợp đồng bảo hiểm vào cùng thời điểm này. 10 phút sau, bên bảo hiểm còn thể hiện sự đồng ý bằng cách ký tên, đóng dấu vào đơn. Tuy nhiên, trong thời gian 10 phút đó, tài sản bảo hiểm đã bị cháy rụi.

Nguyên đơn cho rằng hợp đồng đã được ký kết vào lúc bị đơn đồng ý bằng điện thoại nên phải chi trả tiền bảo hiểm. Còn bị đơn lại nói giao kết có hiệu lực từ lúc ký tên, đóng dấu nên không đồng ý chi trả.

Cả hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm kết luận hợp đồng được giao kết vào thời điểm bên bảo hiểm ký tên, đóng dấu. Nhưng theo ThS Hùng, xác định như vậy là không chính xác. Trong trường hợp này, tòa án nên xác định phương thức giao kết đầu tiên (bằng điện thoại) để xác định thời điểm giao kết hợp đồng mới hợp lý.

“Qua thực tiễn cho thấy BLDS cần phải xem xét lại một số quy định liên quan đến việc xác định thời điểm giao kết của hợp đồng” - ThS Hùng kết luận.

THANH LƯU - ÁI NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm