Hà cớ gì cấm ghi âm, chụp ảnh khi xử tham nhũng?

Phòng, chống tham nhũng là quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước, được nhân dân quan tâm, đồng tình và ủng hộ. Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng đã xác định tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý các vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng.

Thực tế, nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh. Trong đó, việc thông tin, tuyên truyền giáo dục về phòng, chống tham nhũng được quan tâm nhằm nâng cao ý thức cho người dân.

Các phiên tòa thường được xét xử công khai. Phiên tòa xét xử vụ án Giang Kim Đạt cùng đồng phạm tại TAND Cấp cao tại Hà Nội hôm qua là một phiên tòa công khai. Vụ án tham nhũng, rửa tiền với số tiền khủng lên đến hơn 260 tỉ đồng, tòa sơ thẩm đã tuyên hai án tử hình, một án chung thân… là những nội dung mà người dân bàn tán tận hang cùng ngõ hẻm, bên bàn cà phê bốc khói mỗi sớm mỗi chiều.

Tuy nhiên, báo chí lại không được quay phim, chụp ảnh, ghi âm tại phiên tòa này.

Tôi từng ngồi ghế chủ tọa nhiều phiên tòa xét xử các vụ án liên quan đến tội danh thuộc nhóm tội tham nhũng. Tôi đánh giá phiên tòa là cơ hội để công khai, minh bạch mọi vấn đề và lời khai trong quá trình điều tra, truy tố trước đó. Người dân quan tâm được biết, được bàn bạc và kiểm tra, giám sát. Báo chí được tác nghiệp trong khuôn khổ những gì pháp luật cho phép, nhằm mục đích tối thượng là công khai, minh bạch tất cả.

Phiên tòa Giang Kim Đạt hôm qua, đương nhiên nếu cho báo chí tác nghiệp tại tòa thì sẽ chuyển tải được trung thực, sinh động, khách quan, toàn diện phiên tòa. Qua đó, báo chí chuyển tải đầy đủ quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước đến người dân. Người dân có thể được trực tiếp tham dự, ai không đến được thì cũng nắm rõ được vụ việc. Người dân chỉ mong tòa xử đúng pháp luật các hành vi làm ảnh hưởng nền kinh tế, làm xói mòn lòng tin của mình vào các cơ quan Đảng và Nhà nước. Còn những người đang được giao nắm giữ chức vụ và quyền hạn sẽ tường tận được diễn biến phiên tòa, tránh đi vào vết xe đổ.

Theo tôi, công khai, minh bạch tất cả thì ý nghĩa giáo dục của phiên tòa rất cao. Vậy thì hà cớ gì mà HĐXX TAND Cấp cao tại Hà Nội lại cấm báo chí ghi âm, quay phim, chụp ảnh phiên xử, dù luật không cấm?!

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm