Hai vợ nhưng chỉ được phép có một vợ chính

Cưới hai vợ chính là phạm tội song hôn

Thời thuộc Pháp, đàn ông Việt Nam được quyền có hai vợ: một vợ chính và một vợ nhì. Tuy nhiên, theo Luật I/59 của chế độ cũ, một người đàn ông cưới vợ chính và làm hôn thú vào năm 1949, đến năm 1954 chưa đoạn tiêu hôn thú trước mà anh ta lại cưới thêm một vợ chính nữa là phạm tội song hôn. Người phạm tội này sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm và phạt tiền từ 50 – 5.000 quan.

Trong một vụ kiện song hôn, một người đàn ông đã cưới vợ chính thức tại Thanh Chân (Hà Nam xưa) vào năm 1949. Đến năm 1954, anh ta lại kết hôn với một phụ nữ khác tại Paris (Pháp) cũng làm vợ chính thức. Người vợ tại Việt Nam kiện chồng ra tòa về tội song hôn và đòi bồi thường 100.000 đồng thiệt hại. Tòa sơ thẩm tiểu hình Sài Gòn xưa cho rằng người chồng đã phạm tội song hôn và phạt anh ta 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Không những thế, người chồng còn bị buộc phải bồi thường cho người vợ 60.000 đồng thiệt hại.

Lấy chồng sau có giá thú: Không bị tội

Tòa hòa giải rộng quyền Nam Định xưa đã xử một vụ kiện liên quan đến một phụ nữ có đến hai chồng: chị này lấy người chồng trước (không có giá thú), sau đó lại lấy người chồng thứ hai (có khai giá thú). Tòa tuyên xử chị này không phạm tội song hôn và người chồng sau không phải là tòng phạm.

Tòa hình phải chờ tòa hộ

Giấy thế vì giá thú không có giá trị bằng chứng bằng bản án tái lập hôn thú. Vì vậy, khi bản án tái lập hôn thú bị người thứ ba kháng tố trước tòa và giá thú còn đang bị tranh cãi trước tòa dân sự thì tòa hình sự không thể căn cứ vào giấy thế vì hôn thú được lập sau để xác nhận tội song hôn.

Giết vợ hoặc chồng vì ghen: Tội gì?

Chồng giết vợ hay vợ giết chồng vì ghen thì sao? Theo pháp luật xưa, dù giết chồng hay giết vợ thì cũng phạm vào tội sát nhân, nếu tính mạng của can phạm thật sự bị nguy hiểm vì đối phương. Tuy nhiên, trong trường hợp bắt phạm gian (tức ngoại tình) tại trận và tại nhà mình thì dù có giết chết kẻ gian phu hay dâm phụ thì cũng được khoan miễn theo luật định (Điều 324 Hình luật canh cải).

LÊ ĐÌNH sưu tầm

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm