Hai xe Lexus và điều tiếng ‘bánh ít đi…’

Thoạt nhìn việc tặng và nhận quà này có vẻ bình thường nhưng ở khía cạnh pháp luật thì nó có nhiều điều đáng nói.

Để ngăn chặn các hành vi tham nhũng trá hình, Luật Phòng, chống tham nhũng liệt kê hàng loạt hành vi mà cán bộ, công chức, viên chức không được làm, trong đó có chuyện nhận quà tặng. Tuy nhiên, luật này lại để “lọt sổ” chủ thể là cơ quan, đơn vị nhà nước.

Đến năm 2007, Thủ tướng ban hành Quy chế về việc tặng quà, nhận quà tặng và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị (Quyết định 64/2007/QĐ-TTg), trong đó quy định cụ thể hơn. Chẳng hạn, Điều 5 quyết định này quy định: Nghiêm cấm các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức nhận quà tặng của cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan đến hoạt động công vụ do mình hoặc người mà mình nhận thay chịu trách nhiệm giải quyết (trước, trong và sau khi thực hiện công vụ) hoặc thuộc phạm vi quản lý.

Ở đây, trước thời điểm tặng hai xe Lexus, doanh nghiệp đang đề nghị giao lại nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau cho tỉnh quản lý. Sau khi tặng xe, doanh nghiệp này lại xin ứng 30 tỉ đồng từ ngân sách và địa phương này đã duyệt chi 25 tỉ đồng. Đó là chưa kể công ty đang thực hiện dự án du lịch tại địa phương và dự án này cũng nằm trong thẩm quyền quản lý của tỉnh… Nếu áp theo Quyết định 64/2007 của Thủ tướng, rõ ràng công ty trên có liên quan đến hoạt động công vụ do Cà Mau quản lý. Rõ ràng tỉnh Cà Mau nhận hai xe Lexus quà tặng là sai pháp luật.

Đã sai pháp luật thì cho dù công ty có mục đích tốt, cho dù cơ quan công quyền sau khi nhận xe xong có hành xử công bằng, không ưu ái cho doanh nghiệp tặng xe thì cũng không thể chấp nhận.

Ngoài ra, Quyết định 32/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định lãnh đạo cao nhất của cấp tỉnh, thành không đi xe quá 1,1 tỉ đồng, ngoại trừ xe chuyên dùng phục vụ cho công tác cứu hộ, cứu nạn... (xe chuyên dùng chứ không phải ô tô chở lãnh đạo đi thị sát, chỉ đạo cứu hộ, cứu nạn… - NV). Vì vậy dù địa phương có nhận xe quà tặng đúng quy định thì việc lãnh đạo địa phương đó đi xe vượt mức tiền nói trên thì cũng không đúng quy định.

Khía cạnh pháp lý là vậy. Còn ở ngoài đời, ông bà ta đã chẳng nói “bánh ít đi, bánh quy lại”. Có thể trong chuyện tặng xe này - có thể thôi - người đưa “bánh ít đi” rất vô tư, không hề mong muốn có “bánh quy lại”, còn địa phương nhận xe cũng rất vô tư, khách quan, không hề có chuyện “bánh quy lại”. Nhưng sự đời mấy ai tin có chuyện vô tư, khách quan trong veo như thế! Cho nên dư luận nếu có nghi ngờ, đặt dấu hỏi âu đó cũng là điều dễ hiểu.

Trên thực tế, không ít cá nhân, doanh nghiệp vẫn thường biếu, tặng cho các cơ quan, tổ chức và cộng đồng, địa phương hoặc cá nhân khó khăn. Chẳng hạn doanh nghiệp tặng xe cấp cứu hoặc thuốc men cho đơn vị y tế hay bà con nghèo vùng sâu, vùng xa; xây tặng trường học và sách vở, áo quần cho địa phương và con em nơi nghèo khó; xây cầu tặng bà con vùng sông nước… Hay như mỗi lần thiên tai, hỏa hoạn…, rất nhiều doanh nghiệp xắn tay hỗ trợ đồng bào.

Việc biếu, tặng, cho như thế nào ai dám mảy may nghi ngờ động cơ của người tặng! Bởi nó xuất phát từ động cơ trong sáng, biết san sẻ với cộng đồng và họ không mong được đền đáp. Rõ ràng việc tặng cho này luôn được xã hội trân trọng, khâm phục và cả tri ân.

Còn những món quà bạc tỉ, những chiếc xe hơi đắt tiền tặng cho cơ quan công quyền để được ban phát, ưu ái thì khác nào chuyện “bánh ít đi…”. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.