Hậu À Ra Thế Kỳ 79

Cảnh sát giao thông đến lập biên bản, xử phạt A. A cãi: “Đứng xem, không đua, sao phạt?”. Đề hỏi: “Ai đúng? Ai sai? Tại sao?”. Đáp án của ban tổ chức cho rằng cảnh sát đúng, A sai vì A đã có hành vi cổ vũ đua xe. Mà cổ vũ đua xe là vi phạm hành chính…

Bạn thân mến,

Như thông lệ, số báo này BTC chọn đăng các ý kiến phản biện, phản đối đáp án và BTC chưa có ý kiến chi. Số Chủ nhật tới, chúng ta tiếp tục cãi nhau, rồi Chủ nhật tới nữa, BTC sẽ có lời gút sau cùng…

Cảnh sát giao thông sai!

Hành vi của A mặc dù là hành vi cổ vũ đua xe trái phép, tuy nhiên hành vi này chỉ là hành vi bột phát của một cá nhân. Không thể xem đó là hành vi có tính chất “tụ tập cổ vũ đua xe trái phép” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 37 Nghị định 34/2010. Pháp luật đòi hỏi vi phạm phải là hành vi tụ tập, có nghĩa là phải nhiều người. Ở đây chỉ có mình A nên không vi phạm.

THÁI LÊ QUỲNH (Số 1 đường 4, khu phố 6, Bình Chiểu, Thủ Đức, TP.HCM)

Vỗ tay chưa hẳn là cổ vũ!

Theo tôi, chỉ việc vỗ tay thì chưa thể kết luận anh A cổ vũ. Khi nào có hành vi nào khác cổ động hết lòng cho việc đua xe thì mới có thể kết luận anh A cổ vũ cho việc đua xe trái phép. Chẳng lẽ anh A đi qua chốc lát và vỗ tay một, hai cái thì kết luận anh A cổ vũ đua xe hay sao? Người cổ vũ việc đua xe trái phép phải là người tham gia cổ động ngay từ đầu cho đến khi kết thúc cuộc đua xe.

NGUYỄN THANH XUÂN (Phòng Tư pháp huyện Lai Vung, Đồng Tháp)

Có la hét mới là cổ vũ!

Thống nhất với BTC ở chỗ cổ vũ là tác động đến tinh thần để làm cho hăng hái mà hoạt động tích cực hơn lên. Nhưng hành vi của ông A đứng xem, vỗ tay có làm cho các đối tượng đua xe hăng hái, đua xe tích cực hơn không mà nói ông A cổ vũ? Theo tôi, cổ vũ phải có dấu hiệu bắt buộc là la hét và phải hướng đến đối tượng cụ thể. Còn đứng xem, vỗ tay vu vơ như ông A không là cổ vũ được.

KIỀU ANH VŨ (Lớp Thương mại 32B, khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP.HCM)

Vỗ tay có thể để chế giễu!

Theo đề thì CSGT nói “Coi cũng bị phạt” là sai. Vì luật không quy định cấm coi mà chỉ cấm cổ vũ. Hơn nữa, cần có định nghĩa cụ thể thế nào là cổ vũ. Theo đề thì ông A thỉnh thoảng có vỗ tay nhưng có thể ông vỗ tay để chế giễu các quái xế bị ngã thì không thể coi là cổ vũ được.

TRẦN VĂN ÁNH (Văn phòng Huyện ủy Chơn Thành, Bình Phước)

Nhiều người xem, sao phạt một người?!

Những người đứng xem đua xe rất đông. cảnh sát xử phạt một mình anh A là không thuyết phục; bắt anh A ký vào biên bản xử phạt một mình là không đúng cho dù anh A đã vi phạm Luật Giao thông đường bộ và bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 34 ngày 2-4-2010.

NGUYỄN TRƯỜNG KỲ (944/7 đường 30-4, phường 11, TP Vũng Tàu)

Đúng là vi phạm nhưng…

Hành vi ông A đứng xem đua xe, vỗ tay, chỉ trỏ, trầm trồ… là vi phạm pháp luật. Ông A bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 34/2010 là đúng. Tuy nhiên, trong trường hợp này, CSGT chỉ phạt ông A thì có buồn cho ông lắm không trong khi cũng còn rất nhiều người đứng xem đua xe, có khi họ cũng vỗ tay cổ vũ, phụ họa giống như ông A.

TRẦN THỊ THU HIỀN (Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh)

Có thể A không bị phạt

Đáp án của BTC chỉ nói là CSGT lập biên bản phạt A về hành vi cổ vũ đua xe trái phép chứ không nói A có đủ năng lực hành vi và nhận thức được hành vi của mình hay không. Biết đâu chừng A đang mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh nào khác mà mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình thì A không thể bị xử phạt. Người mắc bệnh tâm thần cũng dễ vỗ tay hoặc cổ vũ khen ngợi những cái buồn cười lắm chứ chưa nói đến đua xe.

HOÀNG TUẤN ANH (UBND xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng)

Nhắc nhở A được rồi!

Điểm a khoản 1 Điều 36 Nghị định 34/2010 chỉ xử phạt nếu “tụ tập để cổ vũ, kích động…”, nghĩa là người xem biết việc đua xe là trái phép nhưng vẫn có chủ ý từ trước, tụ tập lại cổ vũ. Còn ông A rõ ràng không biết việc đua xe trên là trái phép, chỉ tình cờ đi ngang qua đám đông, hiếu kỳ nên đứng lại xem thôi. Nên chỉ cần nhắc nhở ông A là được rồi.

ĐINH THỊ TUYẾT SƠN (Văn phòng Huyện ủy Chơn Thành, Bình Phước)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm