Hòa giải thương mại, cả doanh nghiệp và tòa đều có lợi

Mới đây, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị triển khai Nghị định 22/2017 của Chính phủ (quy định về hòa giải thương mại).

Theo bà Nguyễn Thị Mai (Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp), Nghị định 22/2017 ra đời trong bối cảnh đất nước ta đang phát triển kinh tế mạnh mẽ. Các nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước đều khuyến khích việc giải quyết tranh chấp ngoài tòa án, tránh tình trạng quá tải cho ngành tòa án. Nhờ được luật hóa, hòa giải thương mại trở thành một phương thức giải quyết tranh chấp thương mại độc lập, chính thức được pháp luật công nhận và bảo hộ.

Bà Mai cho biết thêm, phương thức hòa giải thương mại vừa đáp ứng được tiêu chí tôn trọng sự lựa chọn thỏa thuận của các bên, vừa đơn giản thuận lợi và rất tiết kiệm chi phí. Đây là phương thức giải quyết tranh chấp có uy tín rất cao, đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng.

Cũng theo bà Mai, vào năm 2007, VIAC (Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam) là trung tâm trọng tài đầu tiên thành lập trung tâm hòa giải, ban hành quy chế hòa giải và đã xử lý nhiều vụ việc trên thực tế. Tuy nhiên, mô hình này chưa được pháp luật công nhận. Nếu các bên đương sự tự nguyện thi hành thì không sao nhưng nếu các bên không thi hành thì bắt buộc phải thực hiện thủ tục tiếp theo là yêu cầu tòa án hoặc trọng tài giải quyết tranh chấp.

Còn theo quy định của Nghị định 22/2017, khi các bên đã hòa giải thành mà không thực hiện thì có quyền làm thủ tục yêu cầu tòa án công nhận quyết định hòa giải thành. Nội dung này đã được quy định cụ thể tại Chương 13 BLTTDS 2015. Đây là điểm mấu chốt làm nên giá trị của Nghị định 22/2017.

“Tình trạng xử lý chậm các tranh chấp tại tòa án đã ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Một trong các chỉ số để coi là môi trường đầu tư công khai, minh bạch, an toàn là chỉ số về phương thức giải quyết tranh chấp nhanh, hiệu quả, đơn giản, tiết kiệm chi phí và lành mạnh trong sự phát triển hội nhập kinh tế. Nghị định 22 ra đời cùng với sự ủng hộ, tham gia sử dụng phương thức hòa giải thương mại sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí, bảo mật thông tin. Đặc biệt là đảm bảo được uy tín trong bối cảnh các hoạt động mua bán, sáp nhập, các hoạt động phát triển kinh tế rất cao. Đồng thời tạo ra cho Việt Nam một môi trường đầu tư kinh doanh ngang tầm với các nước, nơi có hoạt động hòa giải thương mại, nơi có phương thức giải quyết tranh chấp rất phát triển” - bà Mai nhấn mạnh. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm