Hướng dẫn khởi kiện án ly hôn và dân sự theo quy trình một cửa

Theo đó, nếu đương sự có tên, họ khác nhau trên các tài liệu, chứng cứ nộp kèm theo đơn, thì phải nộp chứng cứ chứng minh những tên họ khác nhau được thể hiện đó là của cùng một người.
Nếu đương sự là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có mặt tại Việt Nam tại thời điểm nộp đơn khởi kiện, thì phải có xác nhận của công an cấp xã về việc đương sự đang lưu trú hợp pháp tại Việt Nam. Nếu đương sự tạm trú dài hạn ở Việt Nam, thì thẩm quyền giải quyết vụ án thuộc TAND cấp huyện.
Các tài liệu nộp kèm theo đơn phải được công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc xuất trình bản chính để cán bộ tòa án đối chiếu.
Những tài liệu chứng cứ không thể cung cấp được thì phải có đơn tường trình lý do không thể cung cấp.
Các văn bản thuộc hồ sơ khởi kiện nếu được thể hiện bằng ngôn ngữ nước ngoài đều phải được dịch sang ngôn ngữ Việt Nam (do cơ quan, tổ chức có chức năng dịch thuật hợp pháp và phải kèm theo bản gốc).
Các giấy tờ, tài liệu do cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp cho đương sự hoặc đơn khởi kiện được lập tại nước ngoài đều phải được hợp pháp hóa lãnh sự để chứng thực chữ ký, con dấu trên các tài liệu đó mới được công nhận giá trị pháp lý tại Việt Nam (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác)./.
Hồ sơ khởi kiện vụ án dân sự về ly hôn, yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn gồm:
1. Đơn khởi kiện (đơn yêu cầu) (phải có đầy đủ nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 164 BLTTDS).
2. Tài liệu, chứng cứ chứng minh người đứng tên khởi kiện (yêu cầu) là người có quyền khởi kiện (yêu cầu).
3. Giấy CMND (hộ chiếu); hộ khẩu của các đương sự.
4. Giấy chứng nhận kết hôn. Trường hợp không có giấy chứng nhận kết hôn thì ghi rõ thời gian chung sống.
5. Giấy khai sinh con (nếu có con chung).
6. Giấy chứng nhận quyền sở hữu từng loại tài sản (nếu có yêu cầu chia tài sản, hoặc xác định thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân).
7. Các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.

Hướng dẫn khởi kiện án ly hôn và dân sự theo quy trình một cửa ảnh 1
Người dân đến làm thủ tục tại tòa

Hồ sơ yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự:
1. Đơn yêu cầu (phải có đầy đủ nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 312 Bộ luật Tố tụng dân sự).
2. Tài liệu, chứng cứ chứng minh người đứng tên yêu cầu là người có quyền yêu cầu.
3.Giấy CMND (hộ chiếu); hộ khẩu.
4.Đối với yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì phải nộp bản kết luận của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền và các chứng cứ khác để chứng minh người bị yêu cầu bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.
(Nếu không có kết luận của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền, thì có thể yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định).
5. Kê khai đầy đủ những người thừa kế theo pháp luật của người bị tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự và nộp giấy khai sinh hoặc chứng cứ chứng minh những người này là người thừa kế của họ (nếu có người trong những người thừa kế này chết, thì kê khai tiếp những người thừa kế theo pháp luật của người này).
6. Đối với yêu cầu tuyên bố một người bị hạn chế hành vi dân sự phải nộp tài liệu, chứng cứ chứng minh người bị yêu cầu nghiện ma túy hoặc nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình.
Hồ sơ yêu cầu tuyên bố một người mất tích:
1. Đơn yêu cầu (phải có đầy đủ nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 312 Bộ luật Tố tụng dân sự).
2. Tài liệu, chứng cứ chứng minh người đứng tên yêu cầu là người có quyền yêu cầu.
3.Giấy CMND (hộ chiếu); hộ khẩu của các đương sự.
4.Chứng cứ chứng minh người bị yêu cầu tuyên bố mất tích đã biệt tích hai năm liền trở lên mà không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hoặc đã chết và chứng minh cho việc người yêu cầu đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo tìm kiếm hoặc Quyết định của Tòa án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú.
5.Kê khai đầy đủ những người thừa kế theo pháp luật của người bị yêu cầu tuyên bố mất tích và nộp giấy khai sinh hoặc chứng cứ chứng minh những người này là người thừa kế của người bị tuyên bố mất tích (nếu có người trong những người thừa kế này chết, thì kê khai tiếp những người thừa kế theo pháp luật của người này).
Hồ sơ yêu cầu tuyên bố một người là đã chết:
1. Đơn yêu cầu (phải có đầy đủ nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 312 Bộ luật Tố tụng dân sự). 2. Tài liệu, chứng cứ chứng minh người đứng tên yêu cầu là người có quyền yêu cầu.
3.Giấy CMND (hộ chiếu); hộ khẩu của các đương sự.
4. Một trong các tài liệu, chứng cứ chứng minh sự việc sau:
- Quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật đối với người bị tuyên bố chết và chứng cứ chứng minh sau ba năm, kể từ ngày có quyết định có hiệu lực pháp luật này, vẫn không có tin tức xác thực là người đó còn sống.
- Biệt tích trong chiến tranh sau năm năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống.
- Chứng cứ chứng minh người bị tuyên bố chết bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau một năm , kể từ ngày tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống.
- Biệt tích năm năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống.
5.Kê khai đầy đủ những người thừa kế theo pháp luật của người bị yêu cầu tuyên bố chết và nộp giấy khai sinh hoặc chứng cứ chứng minh những người này là người thừa kế của người bị tuyên bố chết (nếu có người trong những người thừa kế này chết, thì kê khai tiếp những người thừa kế theo pháp luật của người này).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm