VỤ “CÙNG ĐÂM CHẾT NGƯỜI, KẺ TỘI NÀY, NGƯỜI TỘI KHÁC”

Hủy án để điều tra, xét xử lại là sai luật

Theo đó, bị cáo Võ Hồng Chưởng bị cấp sơ thẩm xử phạt 18 năm tù về tội giết người, bị cáo Lê Hữu Duy Khoa bị xử 10 tháng 10 ngày tù về tội cố ý gây thương tích. Bị cáo Chưởng kháng cáo xin giảm án, còn bị cáo Khoa không kháng cáo và VKS cũng không kháng nghị.

Xử phúc thẩm, viện nhận định hành vi của bị cáo Khoa có dấu hiệu đồng phạm với Chưởng tội giết người, cấp sơ thẩm xử Khoa tội cố ý gây thương tích là không đúng, là bỏ lọt tội phạm. Từ đó, viện đề nghị tòa bác kháng cáo của Chưởng, đồng thời kiến nghị giám đốc thẩm đối với trường hợp của Khoa. Tuy nhiên, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM dù đồng tình với viện về việc Khoa là đồng phạm tội giết người nhưng lại tuyên hủy toàn bộ án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại. Tòa này viện dẫn Điều 241 BLTTHS để cho rằng cấp phúc thẩm xét thấy cần thiết thì vẫn có thể xem xét các phần khác không bị kháng cáo, kháng nghị của bản án…

Về lý luận, đúng là tòa án cấp phúc thẩm nếu xét thấy cần thiết thì có thể xem xét các phần khác không bị kháng cáo, kháng nghị của bản án sơ thẩm. Nhưng điều này không có nghĩa là muốn xem xét theo hướng nào cũng được, mà tòa án cấp phúc thẩm chỉ có thể xem xét theo hướng có lợi cho bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không có kháng cáo, kháng nghị.

Cũng chính vì vậy mà BLTTHS còn quy định: Nếu có căn cứ, tòa án cấp phúc thẩm có thể giảm hình phạt hoặc áp dụng điều khoản BLHS về tội nhẹ hơn, chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn; giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo cho cả những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị (khoản 2 Điều 249 BLTTHS). Không có quy định nào của BLTTHS cho phép tòa án cấp phúc thẩm được quyết định theo hướng bất lợi cho bị cáo và những người tham gia tố tụng nếu không có kháng cáo, kháng nghị theo hướng bất lợi đối với họ.

Ngay cả trường hợp có kháng cáo, kháng nghị theo hướng tăng nặng hoặc bất lợi cho bị cáo và những người tham gia tố tụng thì tòa án cấp phúc thẩm vẫn có thể giảm hình phạt, áp dụng điều khoản BLHS về tội nhẹ hơn, chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn, giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo, giảm mức bồi thường thiệt hại (khoản 3 Điều 249 BLTTHS).

Theo hướng tăng nặng là theo hướng chuyển từ tội nhẹ sang tội nặng hoặc thêm tội; áp dụng điều khoản của BLHS có khung hình phạt nặng hơn, tăng hình phạt, chuyển sang hình phạt khác thuộc loại hình phạt nặng hơn; từ án treo thành án tù giam; tăng mức bồi thường…

Tòa án cấp phúc thẩm chỉ được hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại nếu thấy việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được đối với bị cáo có kháng cáo, kháng nghị. Còn những bị cáo không có kháng cáo, kháng nghị thì tòa án cấp phúc thẩm chỉ có thể kiến nghị cấp giám đốc thẩm xét lại.

Trở lại vụ án trên, đại diện VKS chỉ đề nghị tòa án cấp phúc thẩm kiến nghị cấp giám đốc thẩm xem xét lại đối với bị cáo Khoa và y án đối với bị cáo Chưởng. Theo tôi, ý kiến của VKS là hoàn toàn đúng quy định của BLTTHS về phạm vi và thẩm quyền xét xử của tòa án cấp phúc thẩm.

Tóm lại, trong vụ án này tòa án cấp phúc thẩm muốn hủy bản án sơ thẩm thì chỉ có quyền hủy phần đối với bị cáo Chưởng chứ không có quyền hủy toàn bộ bản án. Việc tòa án cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án là không đúng phạm vi và thẩm quyền theo BLTTHS.

ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm