Hủy án vụ ‘bị đánh chết sau khi cự cãi CSGT’

Ngày 28-1, TAND TP.HCM đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm vụ anh Trần Văn Hiền bị đánh chết sau khi cự cãi với CSGT để điều tra, xét xử lại. Trước đó, xử sơ thẩm, TAND quận Tân Phú đã tuyên phạt bị cáo Lê Thanh Bằng 12 năm tù, bị cáo Võ Văn Tòng bốn năm tù cùng về tội cố ý gây thương tích.

Chưa rõ nạn nhân có đội mũ bảo hiểm không

Theo hồ sơ, khoảng 9 giờ tối 9-4-2013, sau khi nhậu xong, anh Hiền chạy xe máy rẽ trái qua bên kia đường Lê Trọng Tấn (trước bãi xe Thanh Bằng, số 512 Lê Trọng Tấn của bị cáo Bằng) thì bị tổ CSGT Công an quận Tân Phú chặn lại kiểm tra nồng độ cồn. CSGT lập biên bản tạm giữ xe do hơi thở của anh Hiền có nồng độ cồn vượt quá quy định. Anh Hiền đưa tiền xin được bỏ qua nhưng CSGT từ chối, từ đó dẫn đến cự cãi. Sau đó anh Hiền đón xe ôm đi về.

Cáo trạng nói rằng lúc này Bằng và Tòng thấy sự việc nên lấy xe máy đuổi theo. Được khoảng 500 m thì hai bị cáo đuổi kịp, chặn đầu xe ôm chở anh Hiền. Bằng dùng tay đánh vào mặt anh Hiền ba cái làm anh Hiền té xuống đường và tử vong sau đó.

Theo kết quả giám định, anh Hiền tử vong do chấn thương sọ não.

Tại phiên tòa phúc thẩm, tòa tập trung làm rõ bị cáo Bằng đánh tổng cộng ba cái vào mặt làm nạn nhân té thì lúc này anh Hiền có đội mũ bảo hiểm hay không. Bị cáo Bằng lúc đầu khai nhận là anh Hiền không có đội mũ bảo hiểm nhưng sau thì lại nói mình không rõ, “chỉ biết khi thấy anh Hiền té thì cái mũ bảo hiểm có nằm bên cạnh anh Hiền”. Trong khi đó, bị cáo Tòng trước sau đều thừa nhận lúc anh Hiền té xuống có mở mắt nhìn xung quanh và trên đầu anh Hiền đội mũ bảo hiểm.

Bị cáo Lê Thanh Bằng (phải) và Võ Văn Tòng tại tòa. Ảnh: HỒNG TÚ

Chết không phải vì té đập đầu?

Luật sư của nạn nhân hỏi nguyên nhân, động cơ hai bị cáo rượt theo đánh anh Hiền. Bị cáo Bằng khai do lúc đó bực tức chuyện gia đình, vợ của bị cáo Bằng dọa tự tử trong khách sạn, lại thấy anh Hiền cự cãi lớn tiếng với tổ CSGT nên muốn đánh. Lý do này đưa ra đã gặp sự phản đối của luật sư vì giữa hai bị cáo với anh Hiền không có mâu thuẫn, hai bị cáo không có mục đích hay động cơ gì để rượt theo đánh anh Hiền tới mức tử vong. “Nếu vợ bị cáo dọa tự tử thì bị cáo phải chạy vào khách sạn để giải quyết chứ, sao lại chạy theo đánh anh Hiền?” - luật sư lập luận.

HĐXX cho rằng bị cáo Bằng đã có lời khai không trung thực, lúc thì nói anh Hiền té có đội mũ bảo hiểm, lúc thì nói không, lúc thì nói không nhớ. Đây là tình tiết quan trọng vì nhiều chứng cứ và gia đình nạn nhân khẳng định lúc té anh Hiền có đội mũ bảo hiểm. Nếu có mũ thì khi té anh Hiền sẽ không bị chấn thương sọ não. Đây chính là tình tiết mà gia đình nạn nhân cho rằng anh Hiền chết không phải vì té đập đầu.

Theo HĐXX, bản án sơ thẩm và biên bản phiên tòa sơ thẩm do TAND quận Tân Phú xét xử thể hiện tên thư ký phiên tòa không trùng khớp, đây là sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Ngoài ra, kết luận của bản án sơ thẩm về tình tiết anh Hiền té có đội mũ bảo hiểm hay không lại mâu thuẫn với biên bản khám nghiệm hiện trường và các chứng cứ khác. Đây là tình tiết quan trọng để xác định anh Hiền tử vong do té xuống đất, đầu va đập vào nền đường gây chấn thương sọ não hay là do nguyên nhân khác nhưng cấp sơ thẩm chưa làm rõ và cấp phúc thẩm không khắc phục được.

Những dấu hỏi còn bỏ ngỏ

Trước đây, TAND quận Tân Phú từng trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhằm làm rõ một số tình tiết như cơ quan điều tra (CQĐT) đã không thu giữ chiếc điện thoại của Bằng và Tòng sử dụng vào buổi tối gây án để trích xuất nhật ký làm rõ những ai đã gọi cho Bằng và Tòng; mối quan hệ giữa hai bị cáo và CSGT Công an quận Tân Phú; liệu có ai gọi điện thoại “chỉ đạo” Bằng và Tòng đi đánh anh Hiền hay không…

Kết quả điều tra bổ sung kết luận tại thời điểm xảy ra sự việc có dày đặc các cuộc gọi và tin nhắn đến số điện thoại của hai bị cáo nhưng không xác định danh tính các chủ thuê bao. Đồng thời, nội dung tin nhắn và hội thoại vào điện thoại hai bị cáo nhà mạng đã không còn lưu trữ.

Dư luận đặt rất nhiều câu hỏi xung quanh vụ án này. Tại sao ngay sau khi xảy ra vụ án cơ quan tố tụng đã không trích xuất ngay những nội dung tin nhắn và cuộc gọi của hai bị cáo, dù đây là nghiệp vụ điều tra sơ đẳng nhất? Để đến khi TAND quận Tân Phú trả hồ sơ để điều tra bổ sung nội dung này thì mọi chuyện đã quá muộn: Nhà mạng đã không còn lưu trữ những thông tin này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm