Hủy án vụ bỏ lọt nhiều tội phạm là sai

Ngày 17-5, Pháp Luật TP.HCM có bài phản ánh TAND tỉnh Khánh Hòa đã tuyên hủy án sơ thẩm của TAND TP Nha Trang vụ làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức để điều tra, xét xử lại vì cấp sơ thẩm đã bỏ lọt nhiều tội phạm.

Nguyễn Thị Sáng được chị ruột đang định cư tại Nhật Bản tìm cách làm giả giấy tờ để ra nước ngoài làm việc. Tháng 8-2012, Hồ Minh Tài nhận 66 triệu đồng để làm CMND, sổ hộ khẩu, hộ chiếu giả thay đổi họ tên, giúp Sáng đủ tuổi xuất cảnh sang Nhật. Tài gặp Nguyễn Anh Minh đưa 11 triệu đồng, Minh lại nhờ người khác làm và hưởng lợi 2 triệu đồng. Giữa năm 2013, Tài tiếp tục làm giả sổ hộ khẩu, giấy khai sinh, CMND, hộ chiếu cho hai người khác sang Nhật với tiền công là 1.200 USD… Theo tòa phúc thẩm, vụ án này liên quan đến nhiều người nhưng chỉ có Minh bị cấp sơ thẩm xử phạt ba năm tù...

Theo tôi, BLTTHS quy định tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại khi thành phần HĐXX sơ thẩm không đúng hoặc có vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng và người được tuyên bố không có tội nhưng có căn cứ cho rằng người đó đã phạm tội.

Tòa phúc thẩm hủy án khi cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm là trường hợp VKS đã truy tố một người về một hoặc một số tội. Tại tòa VKS giữ cáo trạng nhưng tòa cho rằng không phạm tội mà VKS truy tố và tuyên bố bị cáo không phạm tội. Nhưng sau khi xét hỏi và tranh tụng, tòa phúc thẩm thấy có căn cứ cho rằng việc tòa sơ thẩm tuyên bị cáo không phạm tội là sai, mà lẽ ra phải kết án như cáo trạng thì tòa phúc thẩm mới được hủy án sơ thẩm để xử lại theo hướng buộc tội mà VKS đã truy tố.

Tòa phúc thẩm hủy án để điều tra lại khi thấy việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được, là khi tòa sơ thẩm đã kết án hoặc tuyên bị cáo không phạm tội nhưng tuyên bố đó chưa vững chắc. Tại tòa phúc thẩm qua xét hỏi và tranh luận, HĐXX cũng thấy chưa đủ căn cứ để y án hoặc sửa án, mà cần phải điều tra lại với bị cáo mà tòa sơ thẩm đã kết án hoặc tuyên bố không phạm tội.

Còn với những người chưa bị truy tố mà ở tòa phúc thẩm thấy việc không truy tố đó là bỏ lọt tội phạm, thì tòa chỉ có quyền kiến nghị hoặc khởi tố vụ án tại phiên tòa, chứ không có quyền hủy án sơ thẩm. Bởi tòa sơ thẩm có vi phạm gì đâu mà hủy án. Trong khi tòa chỉ xét xử những bị cáo và hành vi của họ mà VKS đã truy tố, chứ không xét xử khi chưa truy tố…

Rất tiếc, nhiều tòa phúc thẩm cứ hủy án sơ thẩm để điều tra lại vì cho rằng còn lọt người, lọt tội trong trường hợp VKS sơ thẩm chưa tuy tố.

Với vụ án trên, VKS chỉ truy tố Nguyễn Anh Minh, còn những người khác chưa bị khởi tố, truy tố thì làm sao TAND TP Nha Trang xét xử được. Nếu khi chuẩn bị xét xử, TAND TP Nha Trang phát hiện vụ án còn có đồng phạm thì phải trả hồ sơ cho VKS để điều tra, truy tố tiếp. Nếu tòa đã trả hồ sơ nhưng VKS vẫn giữ quan điểm thì tại tòa HĐXX vẫn có quyền trả hồ sơ hoặc khởi tố vụ án đề nghị VKS và CQĐT khởi tố bổ sung.

Nếu các tình tiết cho thấy đúng là vụ án còn có đồng phạm khác mà không trả hồ sơ hoặc không khởi tố tại phiên tòa là thiếu sót. Nhưng đây không phải là căn cứ để tòa phúc thẩm hủy án mà chỉ có thể rút kinh nghiệm với tòa sơ thẩm về những thiếu sót này.

Nếu đúng vụ án còn bỏ lọt người, lọt tội, mà tòa sơ thẩm không vi phạm gì theo Điều 250 BLTTHS thì TAND tỉnh chỉ có thể y án hoặc sửa án, đồng thời kiến nghị TAND Cấp cao xét lại theo trình tự giám đốc thẩm, chứ không được hủy án sơ thẩm để điều tra lại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm