Kẻ sát hại cả gia đình ở Hà Nội muốn được hiến tạng

Chiều 22-7, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, LS Nguyễn Anh Thơm (Đoàn LS Hà Nội) người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Kỳ, nghi phạm trong vụ thảm sát chấn động tại Thạch Thất (Hà Nội) vào tháng 12-2015 vừa qua, cho biết Kỳ đang có mong muốn được hiến tạng nếu phải nhận án tử.

“Sau phiên xét xử, nếu không còn cơ hội được sống, Kỳ mong muốn được hiến toàn bộ cơ thể mình cho y học, Kỳ muốn sám hối những tội lỗi của mình. Kỳ hy vọng các bộ phận cơ thể mình sẽ phục vụ cho y học để cứu giúp được nhiều người khác có cơ hội được sống” – LS Thơm nói.

Nguyễn Văn Kỳ (46 tuổi, trú tại Thạch Thất, Hà Nội) bị VKSND TP Hà Nội truy tố về hai tội giết người và cướp tài sản. Kỳ sẽ bị TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm vào ngày 26-7 tới đây.

Nguyễn Văn Kỳ tại cơ quan công an

Trước đó, vào đêm 6-12-2015, với mục đích trộm cắp tài sản, Kỳ chuẩn bị dao đi bộ lang thang vào các ngõ, ngách ở khu vực xã Hương Ngải và xã Canh Nậu (huyện Thạch Thất). Rạng sáng 7-12, Kỳ đến nhà ông Nguyễn Lương Chuân (58 tuổi, trú xã Canh Nậu), trèo lên tường vào nhà.

Đi lên tầng 2, thấy anh Nguyễn Lương Chỉnh (28 tuổi, con trai út ông Chuân) đang ngủ say, Kỳ lấy hai chiếc điện thoại rồi cất vào túi áo. Tuy nhiên, khi đi xuống cầu thang, anh Chỉnh bất ngờ phát hiện và hô hoán.

Nghe thấy tiếng hô hoán, vợ chồng ông Chuân cùng vợ chồng anh Nguyễn Lương Tuân (34 tuổi, con trai cả ông Chuân) thức dậy và chạy ra cùng vây bắt Kỳ.

Bị nhiều người vây, Kỳ rút dao đâm thẳng anh Chỉnh. Ông Chuân chạy đến giúp con trai cũng bị Kỳ đâm gục ngay tại chỗ. Vợ ông Chuân cùng anh con trai cả đứng gần cũng bị Kỳ dùng dao chém trúng người nên không dám xông vào bắt.

Tiếp đó, Kỳ trèo tường chạy thoát, một ngày sau thì bị cơ quan công an bắt giữ.

Các nạn nhân được đưa đi cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng, ông Chuân và anh Chỉnh đã tử vong.

Với hành vi phạm tội trên, Kỳ bị truy tố tội giết người và cướp tài sản với tổng mức án có thể là tử hình.

Khó có thể thực hiện

Theo LS Nguyễn Anh Thơm, trên thực tế, từ trước đến nay chưa có tử tù nào hiến tạng được. Đây là vấn đề rất khó vì còn vướng một số vấn đề về pháp luật. Bởi Luật thi hành án hình sự quy định, khi thi hành án tử hình đối với các bị án thì phải tiêm thuốc độc, mà khi đã tiêm thuốc độc vào người, liệu cơ thể có đảm bảo hiến tạng hay không là cả một vấn đề về y học cần phải nghiên cứu. Muốn hiến tạng thì phải là một cơ thể sạch, phải đảm bảo được các điều kiện khoa học nhất định.

“Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác quy định người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác, nhưng vướng mắc ở đây Kỳ lại là tử tù” – LS Thơm chia sẻ.

Cũng theo vị luật sư này, đây không phải là trường hợp đầu tiên, trong rất nhiều vụ án mà ông bào chữa, nhiều bị cáo cũng có mong muốn được hiến tạng, thậm chí đích thân cha mẹ của các bị cáo nhiều lần gọi điện thoại để hỏi về vấn đề này, nhưng ông chỉ biết hướng dẫn họ làm đơn để gửi cho trại giam xem xét.

“Đây là một hành động mang tính nhân văn cao, thể hiện sự sám hối của con người, trước khi chết họ đã hướng thiện. Do đó, cần có những cơ chế pháp lý để tạo điều kiện cho họ được thực hiện ước nguyện” – LS Thơm nói. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm