Khai vống tài sản bị lừa, phải chịu án phí?

Trước đây Trần Thị Phương Thảo (SN 1986, ngụ quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) là nhân viên hỗ trợ bán hàng cho nhãn sữa Insulac của Công ty TNHH Trung Tấn. Do làm thâm hụt gần 200 triệu đồng của công ty mà không có tiền trả nên Thảo nảy sinh ý định lừa đảo cụ NTT (75 tuổi).

Lừa người bỏ vốn hợp tác

Tháng 9-2013, Thảo nói với cụ T. rằng mình có kinh nghiệm kinh doanh sữa Insulac, lợi nhuận rất cao nhưng không có vốn và rủ cụ T. hợp tác. Theo đó, cụ T. bỏ vốn, Thảo trực tiếp kinh doanh, lợi nhuận chia đôi. Cụ T. đồng ý và ngày 24-10-2013, hai bên lập hợp đồng thỏa thuận nội dung hợp tác kinh doanh.

Để tạo lòng tin, Thảo làm giả đơn đặt hàng ghi số lượng sữa, đơn giá và nói cụ T. đưa tiền để thanh toán cho nhà phân phối. Thảo còn lập giả nhiều phiếu thu hàng của Công ty Trung Tấn, giả chữ ký thủ kho, khách hàng mua sữa chưa thanh toán...

Sau khi cụ T. đưa tiền, Thảo trả nợ và tiêu xài cá nhân. Đến tháng 12-2013, cụ T. yêu cầu Thảo phải có phiếu thu khi mua sữa. Thảo đồng ý và mua “phiếu thu” in sẵn, đặt làm con dấu “mã số thuế” và con dấu “đã thu tiền” mạo danh Công ty Trung Tấn rồi lập giả hóa đơn thu tiền. Thảo còn bịa ra hai cái tên của thủ quỹ, thủ kho của Công ty Trung Tấn. Để tránh bị nghi ngờ, Thảo thỏa thuận với cụ T. là sẽ không chia ngay tiền thu nợ của khách hàng mà đầu tư vào các đơn hàng tiếp theo và được cụ T. đồng ý.

Cứ như vậy, Thảo liên tiếp lập đơn hàng giả, kê số tiền đặt hàng lớn hơn số tiền thu nợ giả của khách hàng để yêu cầu cụ T. đưa cho đủ số tiền đã kê trong đơn hàng mới. Sau một thời gian dài không thấy Thảo thu tiền bán hàng, cụ T. nghi ngờ, tìm hiểu và phát hiện Thảo không hề kinh doanh sữa nên tố cáo.

Vào cuộc, Công an quận Thanh Khê xác minh Thảo không hề có giao dịch với Công ty Trung Tấn. Hai thủ kho, thủ quỹ trong các đơn hàng, hóa đơn của Thảo đều là “ảo”. Quá trình điều tra, cụ T. khai Thảo đã lừa lấy của mình gần 1 tỉ đồng. Tuy nhiên, qua đối chiếu chứng từ, CQĐT xác định từ ngày 5-9-2013 đến ngày 14-3-2014, Thảo đã chiếm đoạt của cụ T. gần 450 triệu đồng. Từ đó VKSND quận Thanh Khê truy tố Thảo về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 3 Điều 139 BLHS (khung hình phạt 7-15 năm tù).

Phải chịu án phí phần chênh lệch?

Tại phiên xử sơ thẩm mới đây của TAND quận Thanh Khê, cụ T. một mực cho rằng Thảo đã lừa lấy của mình gần 1 tỉ đồng, từ khi hợp tác đến nay Thảo chưa hề đưa về cho cụ đồng nào...

Trong phần xét hỏi, đại diện VKS hỏi lại rằng cụ T. có giữ nguyên quan điểm Thảo đã chiếm đoạt của cụ gần 1 tỉ đồng hay không? Kèm theo đó, đại diện VKS giải thích rằng nếu tòa kết luận số tiền bị cáo chiếm đoạt thấp hơn, ví dụ như tòa chỉ chấp nhận bị cáo lừa đảo chiếm đoạt gần 450 triệu đồng thì cụ T. sẽ phải chịu án phí cho khoản chênh lệch.

Sau khi nghe đại diện VKS giải thích, cụ T. vẫn cương quyết giữ nguyên quan điểm là Thảo đã chiếm đoạt của mình gần 1 tỉ đồng. Cuối cùng, TAND quận Thanh Khê đã tuyên hoãn xử, trả hồ sơ để điều tra bổ sung do vụ án còn nhiều mâu thuẫn chưa được làm rõ.

Khai thiệt hại, không bị án phí

Từ vụ án trên, một vấn đề pháp lý được đặt ra: Người bị hại trong án hình sự có phải đóng án phí cho phần chênh lệch trong trường hợp lời khai về thiệt hại của họ lớn hơn thiệt hại mà cơ quan tố tụng xác định hay không?

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, kiểm sát viên Ngô Phú Quảng (VKSND TP Đà Nẵng) khẳng định đây là án hình sự nên dù tòa tuyên bị cáo chiếm đoạt giá trị tài sản thấp hơn giá trị tài sản mà người bị hại khai thì cũng không thể buộc người bị hại phải chịu án phí cho phần chênh lệch được. Kể cả trong trường hợp bị cáo được tuyên vô tội, người được cơ quan tố tụng xác định là người bị hại cũng không phải chịu bất cứ loại án phí nào.

Đồng tình, luật sư Nguyễn Ngọc Chinh (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) nhấn mạnh: Theo quy định hiện hành, phần án phí dân sự trong vụ án hình sự thuộc trách nhiệm của bị cáo trong trường hợp bị cáo bị tuyên có tội. Án phí dân sự bị cáo phải chịu được tính theo giá trị tài sản chiếm đoạt mà tòa tuyên chứ không phải giá trị tài sản mà người bị hại đưa ra.

Một thẩm phán TAND TP Đà Nẵng bổ sung: Trong án hình sự, việc chứng minh tội phạm, chứng minh thiệt hại thuộc trách nhiệm của cơ quan tố tụng. Cơ quan tố tụng chứng minh được tới đâu thì xử lý tới đó. Người bị hại chỉ phải chịu án phí trong trường hợp họ có yêu cầu bồi thường không phù hợp với pháp luật, đã được tòa giải thích là tòa sẽ không chấp nhận mà họ vẫn giữ nguyên yêu cầu. Chẳng hạn yêu cầu bồi thường chi phí đi lại, chi phí soạn thảo văn bản nộp cho tòa... Nếu họ cứ giữ nguyên yêu cầu về các khoản vô lý và bị tòa bác thì họ phải chịu án phí tương ứng với giá trị tài sản cho phần yêu cầu này.

- Trường hợp người bị hại khai báo tài sản bị xâm hại và có yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại về tài sản nhưng thực tế chứng minh tài sản bị cáo xâm phạm có giá trị thấp hơn giá trị tài sản khai báo thì án phí dân sự sơ thẩm được tính đối với phần tài sản chứng minh được. Ví dụ: Người bị hại khai báo tài sản bị xâm hại và có yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại về tài sản là ba chỉ vàng. Cơ quan chức năng chứng minh bị cáo chiếm đoạt của người bị hại hai chỉ vàng, tòa buộc bị cáo phải bồi thường thiệt hại về tài sản cho người bị hại là hai chỉ vàng thì bị cáo phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với phần tài sản là hai chỉ vàng. Người bị hại không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với phần tài sản một chỉ vàng không được chấp nhận.

- Người bị hại có yêu cầu bồi thường thiệt hại về những khoản không phù hợp với pháp luật thì tòa phải giải thích cho họ về việc họ phải chịu án phí nếu yêu cầu bồi thường thiệt hại đó không được tòa chấp nhận. Nếu họ vẫn yêu cầu tòa giải quyết thì họ phải chịu án phí nếu yêu cầu của họ không được tòa chấp nhận. Ví dụ: Người bị hại yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với khoản chi phí thuê luật sư không hợp lý thì tòa phải giải thích cho họ việc họ phải chịu án phí nếu yêu cầu đó không được tòa chấp nhận. Nếu họ vẫn yêu cầu thì họ phải chịu án phí đối với khoản chi phí luật sư nếu yêu cầu của họ không được tòa chấp nhận.

(Trích Điều 9 Nghị quyết số 01/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về án phí, lệ phí tòa án).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm