Kháng nghị hủy án khi ván đã đóng thuyền

Hồi đó tòa chúng tôi thụ lý một vụ án ly hôn của đôi vợ chồng trẻ. Khi mở phiên tòa, do cả nguyên đơn và bị đơn đồng thuận cao nên HĐXX ra bản án cho cả hai ly hôn, con chung mỗi người một đứa, tài sản chung cũng được chia dựa trên công sức đóng góp của mỗi bên. Bản án này cả nguyên đơn và bị đơn đều không kháng cáo, VKS cũng không kháng nghị nên có hiệu lực pháp luật.

Bẵng đi thời gian, qua kiểm tra, chánh án tòa án cấp trên bèn kháng nghị giám đốc thẩm vụ án. Kế đó, Hội đồng Giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại theo thủ tục chung. Lý do: Biên bản nghị án của HĐXX sơ thẩm để trống.

Đây là lỗi vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng mà không hiểu sao đồng nghiệp chúng tôi khi nghị án lại… quên ghi dù các thành viên HĐXX đều có ký tên vào. Lỗi thì đã rõ rồi nhưng câu chuyện không phải nằm ở chỗ này.

Khi thụ lý, giải quyết lại vụ án, chúng tôi mời cả hai bên đương sự đến để làm việc. Lúc này chúng tôi mới hỡi ôi vì phải đối diện với tình huống dở khóc dở cười: Cả hai bên giờ đã đâu vào đấy, anh đã có vợ mới, chị cũng đã có chồng mới. Nói cho văn vẻ chút xíu thì ván cũ bây giờ đều đã được đóng thuyền mới xong hết cả rồi. Mà cả hai cái gia đình riêng này giờ đang sống rất hạnh phúc mới chết chứ!

Trình bày với tòa, cả hai đều bày tỏ nguyện vọng xin tòa cứ… giữ nguyên như hiện tại, vì họ đã được tòa cho ly hôn rồi, đã giải phóng khỏi đời nhau rồi, mỗi người đã tìm thấy một nửa của mình rồi. Và điều quan trọng là cả hai đều đã đăng ký kết hôn với một nửa của mình rồi!

Tình huống quả trớ trêu! Chẳng lẽ bây giờ tòa công nhận cho họ ly hôn, vì làm thế nghĩa là họ đã đăng ký kết hôn với người mới trước khi có bản án ly hôn với người cũ hay sao? Hay họ phải làm thủ tục hủy đăng ký kết hôn giữa họ với người mới trước, sau đó chờ tòa cho họ ly hôn với người cũ xong thì đăng ký kết hôn lại với người mới? Quả là nan giải cho họ và cả cho tòa!

Cuối cùng, không biết ai tư vấn mà họ… rút đơn xin ly hôn. Căn cứ vào đây, tòa bèn ra quyết định đình chỉ vụ án. Cách giải quyết trên đây rõ ràng chỉ mang tính tình thế, vì nó chưa thật sự giải quyết triệt để vấn đề. Nhưng đó không phải là chủ đề mà tôi muốn nhắm đến qua câu chuyện này. Cái chính là trước khi kháng nghị, trước khi ra phán quyết giám đốc thẩm, có lẽ cấp trên nên nắm lại tình hình vụ án hiện tại rồi quyết định cũng chưa muộn. Tránh chuyện án đã thi hành xong xuôi hết rồi, mọi chuyện đã ổn thỏa cả rồi mà vụ án lại bị lật lại một cách không cần thiết.

Cũng cần nói thêm, theo BLTTDS hiện hành, chỉ cần vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là sẽ bị kháng nghị giám đốc thẩm (khoản 2 Điều 283). Còn theo BLTTDS năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7 tới) thì chỉ khi “Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật” thì mới bị kháng nghị (điểm b khoản 1 Điều 326 BLTTDS 2015). Nói cách khác, với vi phạm tố tụng (thiếu biên bản nghị án) trong câu chuyện trên đây thì không cần thiết phải kháng nghị giám đốc thẩm.

Một phó chánh án tòa án cấp huyện

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...