Khi công an biết nhận lỗi với dân

Đồng thời phòng này còn phối hợp với công an 24 quận, huyện hướng dẫn, chủ động cấp miễn phí CMND mới cho các “nạn nhân” trong vòng năm ngày. Theo dự kiến thì đến cuối tháng 11 tới sẽ có hơn 3.600 trường hợp ở TP.HCM được khắc phục lỗi sai số CMND.

 Đại tá Nguyễn Văn Dung trực tiếp đến nhà 10 người dân tại quận 12 để cấp CMND mới. Ảnh: HOÀNG TUYẾT.

Nói đến CMND là nói đến con số duy nhất: mỗi người một giấy và có một số CMND riêng. Đây là một loại giấy tờ tùy thân của công dân do cơ quan công an có thẩm quyền chứng nhận về những đặc điểm riêng nhằm bảo đảm thuận tiện việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của từng người trong đi lại, thực hiện các giao dịch.

Ấy vậy mà từ năm 1977 đến nay - theo xác nhận của PC64 - có đến 7.230 trường hợp trùng số CMND do sơ suất của cán bộ công an khi đánh số trên CMND hay do những nguyên nhân khác. Từ chỗ “đụng hàng” hết sức bất đắc dĩ đó mà hàng loạt rắc rối đã xảy ra với những người trong cuộc khi làm hồ sơ cấp hộ chiếu, mở tài khoản ATM, đăng ký mã số thuế thu nhập cá nhân, cấp sổ BHXH… Và để được giải quyết các yêu cầu, nhiều người phải đi xin xác nhận CMND của họ đúng với hồ sơ gốc với nhiều lần đi tới đi lui và chờ đợi hàng tháng trời. Những vất vả “đoạn trường ai có qua cầu mới hay” này sẽ chấm dứt khi lãnh đạo PC64 biết chân thành nhận lỗi, kèm theo đó là những hành động và kế hoạch rõ ràng nêu trên.

Từ trước đến giờ, chuyện cán bộ làm sai và làm thiệt hại cho dân xảy ra như cơm bữa. Điều đáng nói là sai lặt vặt hay sai “động trời” thì người dân đều phải chạy bở hơi tai nộp đơn xin xỏ và còn phải đóng lệ phí để được các “đầy tớ” khắc phục những lỗi do chính họ gây ra (!).

Rất dễ tìm dẫn chứng cho việc này ở các trường hợp bị ghi sai họ, tên, địa chỉ… trên giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu... Để rồi như kêu rêu của rất nhiều người dân ở hai xã Song Phú và Phú Thịnh (huyện Tam Bình, Vĩnh Long) chỉ vì đánh máy nhầm từ dấu ngã (~) thành dấu hỏi (?) của cán bộ hộ tịch xã mà cả ngàn người bỗng dưng đổi họ (từ Nguyễn thành Nguyển, Đỗ thành Đổ và Võ thành Vỏ) dẫn đến rất nhiều phiền hà cho cả đời con, đời cháu của các khổ chủ. Hay như việc bị trùng… thửa đất trên giấy hồng, giấy đỏ (cá biệt như Lâm Đồng từng có đến hơn 6.000 thửa đất bị cấp trùng) vẫn thường xuyên được báo chí nhắc đến. Chừng khi phát hiện sự cố thì như trình bày mới đây của một bạn đọc báo Pháp Luật TP.HCM, “tôi đã gửi đơn yêu cầu huyện phải điều chỉnh từ tháng 10-2014 nhưng đến nay sau nhiều lần bắt người bị cấp nhầm phải làm đơn, bổ sung rất nhiều giấy tờ mà huyện vẫn chưa giải quyết rốt ráo vụ việc để tôi được đàng hoàng làm chủ miếng đất của chính mình”…

Là con người thì đều có thể phạm sai lầm, thậm chí là những sai lầm khủng khiếp. Cán bộ, công chức, viên chức cũng không thể không có sơ sót trong quá trình làm nhiệm vụ. Phải sửa sai sau khi làm sai là việc đương nhiên nhưng điều mọi người muốn thấy nhiều hơn là sự cầu thị vì như câu mà nhiều người hay nói với nhau “ghét là ghét cái thái độ”. Muốn người dân hiểu và thông cảm, các “quan” chỉ cần có lời xin lỗi thể hiện tấm lòng thành và chủ động sửa sai.

Vậy nên khi hiện tại còn có nhiều trường hợp chính quyền làm sai mà vẫn nhơn nhơn mặc kệ dân khốn khổ thì động tác xin lỗi của lãnh đạo PC64 là một phản ứng truyền thông khôn ngoan và ấn tượng. Một điểm cộng dành ngay cho đơn vị này vì có thể cách hành động đó sẽ mang lại hiệu quả bất ngờ. Bởi lẽ đối với ngành công an, bên cạnh rất nhiều tiếng khen dành cho những công trạng mà lực lượng này đã làm được cho dân xuất phát từ sứ mệnh “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” thì mối nghi ngờ, lời chê bai cũng không phải là ít, do đâu đó vẫn có những trường hợp sai phạm, lạm quyền…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm