Khi nào áp dụng tình tiết “gây cố tật nhẹ cho nạn nhân”?

VKS nhận định họ phạm tội có tính chất côn đồ, gây cố tật nhẹ cho nạn nhân nên truy tố theo khoản 2 Điều 104 BLHS nhưng tòa chỉ xử theo khoản 1 vì cho rằng họ không phạm vào hai tình tiết tăng nặng định khung trên. Riêng với tình tiết “gây cố tật nhẹ cho nạn nhân”, tòa cho rằng theo hướng dẫn của TAND Tối cao thì chỉ xem là cố tật nhẹ khi tỉ lệ thương tật của nạn nhân dưới 11%...

Tình tiết “gây cố tật nhẹ cho nạn nhân” vừa là dấu hiệu định tội theo khoản 1 vừa là dấu hiệu định khung hình phạt theo khoản 2, khoản 3 Điều 104 BLHS. Theo Nghị quyết 02 ngày 17-4-2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, “gây cố tật nhẹ cho nạn nhân” là trường hợp “làm mất một bộ phận cơ thể của nạn nhân; làm mất chức năng một bộ phận cơ thể của nạn nhân; làm giảm chức năng hoạt động của một bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ của nạn nhân mà tỉ lệ thương tật dưới 11%”.

Trong y học, không có khái niệm “cố tật nặng” hay “cố tật nhẹ” mà chỉ có khái niệm “cố tật”, còn nặng hay nhẹ phụ thuộc vào tỉ lệ thương tật của “tật” đó. Điều 104 BLHS chỉ quy định trường hợp “gây cố tật nhẹ cho nạn nhân” chứ không quy định các trường hợp “gây cố tật nặng, rất nặng, đặc biệt nặng cho nạn nhân” nên Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao không thể hướng dẫn các trường hợp này được.

Về lý luận cũng như thực tiễn xét xử, vẫn có trường hợp nạn nhân có tỉ lệ thương tật dưới 31% nhưng bị cố tật thì có thể bị xét xử theo khoản 2 Điều 104 BLHS. Ngược lại, cũng có trường hợp tỉ lệ thương tật của nạn nhân trên 31% nhưng lại không bị cố tật gì.

Trở lại một số vụ việc cụ thể mà báo nêu, nếu đúng là nạn nhân bị cố tật thì vẫn phải áp dụng khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 104 BLHS đối với bị cáo dù tỉ lệ thương tật của nạn nhân có hơn 11% đi chăng nữa.

ĐINH VĂN QUẾ,nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm