Khi thẩm phán khuyến khích người ta khóc

Đó là tâm tư của vị thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm xử vụ Ong Đức Danh giết người mới đây.

Phiên tòa hôm ấy thật đặc biệt vì không có bị cáo mà trước HĐXX chỉ có những bậc làm cha mẹ.

Vụ việc xảy ra đã lâu, Nguyễn Thành Trung cùng nhóm bạn và Danh đều là sinh viên Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Phú Lâm (quận 6). Khi học chung trường, nhóm Trung nhiều lần tỏ thái độ không thích cách cư xử của Danh. Cạnh đó, nhóm Trung nhiều lần có ý định đánh Danh cho… bõ ghét. Sợ bị đánh, Danh mua hai con dao Thái Lan, dùng băng keo quấn lại giấu vào chân mỗi khi đến trường nhằm thủ thân.

Ngày 10-12-2008, nhóm Trung đến lớp Danh để tìm đánh nhưng không gặp. Trưa hôm sau, nhóm Trung ngồi trước cổng trường tiếp tục đợi Danh. Trung phát hiện Danh đang đi vào cổng trường liền chạy theo đánh vào lưng và nắm đầu Danh đập vào cạnh tường. Tức thì Danh cúi người lấy dao đâm nhiều nhát vào người Trung rồi bỏ chạy. Trung được người dân đưa đi cấp cứu nhưng chết tại bệnh viện. Còn Danh bị thương ở đầu, được người thân đưa đi bệnh viện để điều trị và bị bắt sau đó.

Trong quá trình điều tra, Danh có biểu hiện tâm thần nên cơ quan điều tra đã đưa đi giám định. Qua đó cho thấy trước, trong và sau khi gây án, bị cáo Danh có bệnh rối loạn nhân cách và hành vi thực tổn sau chấn thương sọ não. Cho đến ngày ra tòa, Danh vẫn còn biểu hiện rối loạn phân ly trại giam (hội chứng Ganser).

Xử sơ thẩm cuối năm 2014, TAND TP.HCM nhận định vụ án có phần lỗi của nạn nhân nên tuyên phạt Danh sáu năm 18 ngày tù (bằng thời gian tạm giam). Tòa tuyên bố trả tự do cho bị cáo ngay tại tòa.

Cha mẹ nạn nhân kháng cáo, yêu cầu tòa xử tăng hình phạt bị cáo.

Đứng trước tòa phúc thẩm hôm đó, cha mẹ nạn nhân quyết liệt đòi tăng mức hình phạt đối với bị cáo Danh, bạn học của con trai mình. Theo họ, chính cách hành xử của gia đình bị cáo đã khiến họ không thể nào chấp nhận được. Bởi đã hơn sáu năm kể từ khi vụ án xảy ra, gia đình bị cáo không một lần qua hỏi thăm, xin lỗi họ.

HĐXX tuy bác kháng cáo của gia đình nạn nhân (vì nhận định án sơ thẩm đã phù hợp) nhưng tòa ghi nhận trong bản án việc cha bị cáo nhận những thiếu sót của mình trong việc đối nhân xử thế. Cha bị cáo hứa sẽ qua nhà người bị hại cho đúng phép và sớm khắc phục bồi thường như án tòa đã tuyên nhằm xoa dịu phần nào nỗi đau của cha mẹ nạn nhân.

Tại phiên xử, khi mẹ nạn nhân bật khóc, chủ tọa đã an ủi: “Bà cứ khóc đi, khóc cho vơi phần nào nỗi đớn đau, mất mát”. Mọi thứ như vỡ òa. Nút thắt căng thẳng của phiên tòa được mở. Cha bị cáo cũng nhận ra mình đã cư xử không đúng dù trước đó gia đình cũng đã nộp tiền khắc phục một phần hậu quả...

Bản án phúc thẩm có thể không có ý nghĩa nhiều về mặt pháp lý nhưng nó có giá trị cao về mặt tinh thần. Nó giúp cho người mẹ mất con vơi đi phần nào nỗi đau và khiến cha mẹ bị cáo phải tự nhìn lại mình, phải biết chia sẻ, đồng cảm với nỗi đau của gia đình người bị hại.

Không có điều khoản nào trong luật tố tụng gợi ý chủ tọa khuyến khích mẹ người bị hại khóc, giáo trình nghiệp vụ thẩm phán cũng không có dòng nào nói về chuyện này. Nhưng trái tim của quan tòa đã mách bảo ông thực hiện một hành vi nhân văn như thế.

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm