Không dễ chuyển người lao động sang làm việc khác

Hết thời gian thử việc phải giao kết HĐLĐ

Luật hiện hành quy định NSDLĐ phải thông báo kết quả về việc làm thử và nếu công việc làm thử đạt yêu cầu thì NSDLĐ phải giao kết ngay HĐLĐ với NLĐ. Tuy nhiên như thế nào là “đạt yêu cầu” thì lại không có văn bản nào quy định.

Do đó, thực tế đã có rất nhiều doanh nghiệp (DN) cố tình cho NLĐ làm “lố” thời gian thử việc, sau đó thông báo là không đạt yêu cầu và từ chối nhận NLĐ gây thiệt thòi cho NLĐ, làm mất thời gian, giảm cơ hội tìm kiếm việc làm mới của NLĐ.

Vì thế, Dự thảo đưa ra quy định “hết thời gian thử việc mà NSDLĐ vẫn để NLĐ tiếp tục làm việc thì việc làm thử được coi là đạt yêu cầu và buộc NSDLĐ phải ký kết HĐLĐ với NLĐ. Đây được cho là một quy định tiến bộ, bảo vệ quyền lợi cho NLĐ.

Gia hạn HĐLĐ được xem là một lần ký kết HĐ

Quy định hiện hành cho phép NSDLĐ được gia hạn để kéo dài HĐLĐ có thời hạn và không bị tính là một lần ký kết HĐ.

Khi hết thời hạn đã được gia hạn, NSDLĐ được ký thêm một HĐ có thời hạn nữa, sau đó nếu NLĐ vẫn tiếp tục làm việc thì sẽ chuyển sang loại HĐLĐ không xác định thời hạn (vì theo luật hiện hành NSDLĐ được ký liên tục 2 lần loại HĐ xác định thời hạn).

Điều đó cho thấy thực chất NSDLĐ đã ký liên tục 3 HĐ có thời hạn với NLĐ bằng hình thức gia hạn HĐ. Dự thảo đã khắc phục được chiêu lách luật này khi quy định gia hạn thời hạn bằng phụ lục HĐ được tính là một lần ký kết HĐ.

Không dễ chuyển NLĐ sang làm công việc khác

Luật hiện hành cho phép NSDLĐ được quyền chuyển NLĐ sang làm công việc khác vì nhu cầu sản xuất kinh doanh. Vì thế, nhiều DN tùy tiện đưa ra lý do vì nhu cầu sản xuất kinh doanh để chuyển NLĐ sang làm công việc khác.

Nay, Dự thảo mới bổ sung quy định NSDLĐ phải quy định cụ thể những trường hợp nào là do nhu cầu sản xuất kinh doanh trong nội quy lao động, quy chế nội bộ của công ty thì mới được áp dụng.

NLĐ quay lại làm việc sau thời gian tạm hoãn HĐ nhưng công việc cũ không còn và không thỏa thuận được công việc mới, xử lý như thế nào?

Trong một số trường hợp, NLĐ được quyền tạm hoãn thực hiện HĐ. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là khi hết thời gian tạm hoãn, nếu công việc đã giao kết không còn thì giải quyết như thế nào?

Tại Điều 10 Nghị định 05/2015/NĐ-CP có quy định: nếu không bố trí được công việc trong HĐLĐ đã giao kết thì hai bên thỏa thuận công việc mới. Thế nhưng Nghị định này vẫn không giải quyết triệt để câu hỏi nếu không thỏa thuận được công việc mới thì sẽ xử lý ra sao?

Vướng mắc này đã được Dự thảo giải quyết: nếu không thỏa thuận được công việc mới thì hai bên chấm dứt HĐLĐ và buộc NSDLĐ có trách nhiệm thanh toán trợ cấp mất việc làm cho NLĐ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm