Bỏ hẳn túi nylon trong sinh hoạt để bảo vệ môi trường

Hội nghị có sự tham gia của Ủy ban MTTQ Việt Nam, Liên đoàn Lao động, Hội Cựu chiến binh, Hội Luật gia, tòa án… và các sở, ban, ngành TP.
Tại hội nghị, TS Phạm Văn Võ, Phó Trưởng khoa Luật thương mại, Chủ nhiệm bộ môn Luật đất đai-môi trường, Trường ĐH Luật TP.HCM, đã chỉ ra một số điểm mới trong Luật Bảo vệ môi trường 2014; nêu các mục tiêu, giải pháp trong Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016-2020.
Môi trường là hàng hóa
Theo ông Phạm Văn Võ, trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, nên coi môi trường là hàng hóa, những người muốn khai thác sử dụng các thành phần môi trường, những chủ thể gây tác động xấu tới môi trường thì phải trả tiền.
Một điểm mới khá thời sự cũng được đặt ra hiện nay là vấn đề an ninh môi trường, chính sách bảo vệ môi trường phải gắn liền với an ninh môi trường.
Tiến sĩ Võ nêu ví dụ: Điển hình như vụ việc người dân Hà Tĩnh khởi kiện yêu cầu Công ty Formosa bồi thường thiệt hại nhưng TAND huyện Kỳ Anh không thụ lý nên đã xảy ra tình trạng người dân xông vào trụ sở UBND, kéo nhau ra chặn quốc lộ 1A. Rõ ràng điều này gây ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị. Nếu Nhà nước không kiên quyết xử lý những cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà máy, khu công nghiệp gây ô nhiễm môi trường dẫn tới người dân tự đẩy mình vào hành vi vi phạm pháp luật.

Bỏ hẳn túi nylon trong sinh hoạt để bảo vệ môi trường ảnh 1
TS Phạm Văn Võ đang trình bày tại hội nghị.

Chính sách không sử dụng túi nylon
Cũng theo ông Phạm Văn Võ, trong thời gian qua chất lượng môi trường tại TP.HCM không được cải thiện nhiều, thậm chí còn trở nên nghiêm trọng hơn.
Để khắc phục những hạn chế này, Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016-2020 đã đưa ra các mục tiêu gồm: 80% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý tập trung đạt quy chuẩn quy định trước khi thải ra môi trường; giảm 70% ô nhiễm không khí do hoạt động GTVT; 90% nguồn khí thải công nghiệp được xử lý; 100% hộ dân TP được sử dụng nước sạch; tỉ lệ che phủ rừng và cây xanh phân tán trên 40%; nâng cao trách nhiệm năng lực cho cán bộ quản lý… Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Phạm văn Võ, một số mục tiêu đưa ra còn thiếu tính khả thi vì rất khó để huy động vốn và mất rất nhiều thời gian…
Giải pháp được đặt ra để giải quyết các mục tiêu gồm: Rà soát các chính sách hiện hành về thu hút các thành phần kinh tế đầu tư xử lý chất thải (sinh hoạt, y tế, công nghiệp nguy hại,…), nước thải.
Về phí nước thải, chất thải, về cơ chế tổ chức, quét dọn, thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý rác; tái chế.
Về chính sách không sử dụng túi nylon, sử dụng những nguyên liệu, vật liệu, sản phẩm dễ phân hủy, thân thiện với môi trường, sử dụng nhiên liệu sinh học, năng lượng tái tạo… để bổ sung, hoàn thiện, ban hành theo thẩm quyền nhằm đủ sức thu hút mạnh mẽ hơn hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền bổ sung, điều chỉnh, ban hành.
Ngoài ra, hoàn thiện đề án mạng lưới nhà vệ sinh công cộng, đề án xây dựng mạng lưới thùng rác công cộng trên địa bàn TP.
Đến năm 2017-2018, mời gọi đầu tư các phương tiện vệ sinh công cộng (nhà vệ sinh, thùng rác…) trên bộ, trên sông đáp ứng nhu cầu giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm