Kiện đòi nợ bảo hiểm xã hội: Quá khó!

Ngày 12-3, TAND tỉnh Khánh Hòa xác nhận vừa có thông báo trả lại đơn khởi kiện của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh này đòi năm doanh nghiệp (DN) phải trả nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động. Trước đó, TAND tỉnh đã yêu cầu LĐLĐ bổ sung các điều kiện khởi kiện nhưng LĐLĐ không thể đáp ứng. LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa là một trong những tổ chức công đoàn đầu tiên của cả nước thực hiện đại diện cho người lao động khởi kiện các đơn vị nợ, trốn đóng BHXH theo Luật BHXH năm 2014, có hiệu lực từ 1-1-2016.

Tòa yêu cầu chứng cứ không thể bổ sung

Theo ông Lê Xuân Hải, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa, cuối tháng 12-2016, cơ quan này khởi kiện năm DN nợ 38,4 tỉ đồng tiền BHXH (tính đến 31-12-2016). Năm DN bị khởi kiện gồm Chi nhánh Công ty CP Tập đoàn Mai Linh Nha Trang, Công ty CP Xây dựng 505, Công ty CP Hòn Tằm Biển Nha Trang, Công ty CP Vinalines Nha Trang, Công ty CP Sông Đà Nha Trang. Trong đó, nhiều nhất là Chi nhánh Công ty CP Tập đoàn Mai Linh Nha Trang với số nợ gần 22 tỉ đồng.

Đầu tháng 1-2017, TAND tỉnh yêu cầu LĐLĐ tỉnh bổ sung các điều kiện khởi kiện các DN trên. Đó là phải cung cấp văn bản ủy quyền của tập thể lao động hoặc công đoàn cơ sở. Phải chứng minh có tranh chấp về BHXH giữa người lao động với người sử dụng lao động, giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động. Phải có quyết định giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền của chủ tịch UBND mà tập thể người lao động không đồng ý với quyết định đó hoặc quá thời hạn mà chủ tịch UBND không giải quyết theo quy định. “Tòa yêu cầu bổ sung những tài liệu đó nhưng nói thật LĐLĐ không thể nào đáp ứng được, do quá thời hạn nên tòa đã trả lại đơn khởi kiện” - ông Hải nói.

Cán bộ LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa (phải)đang tư vấn cho công nhân khởi kiện. Ảnh: THỤY NGA

Theo phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh, ngay yêu cầu đầu tiên đã không khả thi vì đòi hỏi người lao động ủy quyền là rất khó khăn. Thực tế có hàng trăm người, mỗi người một tính cách, người đồng ý, người không. Cạnh đó người lao động bị lệ thuộc nên có tâm lý rất ngại khi đụng chạm với người sử dụng lao động. Nếu ký tên để ủy quyền kiện, họ rất sợ bị mất việc hoặc bị người sử dụng lao động trù dập. “Không thể hy vọng tất cả người lao động bị nợ BHXH sẽ ký ủy quyền cho LĐLĐ khởi kiện, chỉ cần một người không đồng ý là rắc rối ngay. Trong khi luật chưa quy định công đoàn khởi kiện cho tập thể đó hay là chỉ khởi kiện cho những người có ủy quyền” - ông Hải phân tích.

Cũng theo ông Hải, yêu cầu ủy quyền đã quá phức tạp, yêu cầu chứng minh có tranh chấp lại càng nhiêu khê hơn. DN nợ BHXH rõ ràng cơ quan chức năng đã xử phạt rồi, hồ sơ đầy đủ nhưng phải chứng minh DN đó đã bị người lao động kiện hay xảy ra đình công do không đóng BHXH. Về bản chất việc khởi kiện đã là thể hiện sự tranh chấp rồi. Nhưng lại phải chứng minh giữa người sử dụng lao động với người lao động đang có tranh chấp là không khả thi. Chưa hết, sau khi chứng minh có tranh chấp, muốn khởi kiện thì tranh chấp này phải qua giải quyết của UBND cấp huyện. Chỉ sau khi chính quyền giải quyết rồi nhưng người lao động hoặc người sử dụng lao động không đồng ý hay quá thời hạn mà UBND huyện không giải quyết thì tổ chức công đoàn mới được khởi kiện.

Tòa đòi hỏi đúng, khó là do luật

Theo một thẩm phán TAND tỉnh Khánh Hòa, trước đây, khi BHXH khởi kiện các đơn vị nợ BHXH theo thủ tục BLDS. Theo đó chỉ cần chứng minh nợ qua hồ sơ là thông báo kết quả nợ BHXH và bản đối chiếu thu nộp BHXH. Nhưng từ khi Luật BHXH 2014 có hiệu lực, tòa án không thụ lý đơn khởi kiện của cơ quan BHXH đòi tiền BHXH đối với người sử dụng lao động. Thay vào đó, LĐLĐ đại diện người lao động khởi kiện các đơn vị nợ BHXH và được tòa án xác định là tranh chấp lao động tập thể về quyền nên phải áp dụng Bộ luật Lao động và các quy định liên quan. Do đó TAND Tối cao cần có hướng dẫn quy định trình tự giải quyết vụ kiện như trên.

Trong khi đó, lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa cho rằng quy định về thủ tục khởi kiện như hiện nay là chồng chéo, bất cập, không phù hợp. Theo ông Bùi Đăng Thành, Trưởng ban Chính sách pháp luật LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa, cơ quan này là tổ chức công đoàn đầu tiên trong cả nước ký quy chế phối hợp với bốn cơ quan BHXH, TAND, VKSND, thi hành án dân sự về khởi kiện, giải quyết các vụ án dân sự trong tranh chấp lao động cá nhân, tập thể, BHXH, bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, đến nay việc khởi kiện đòi nợ BHXH vẫn bế tắc bởi các quy định rắc rối như trên. “LĐLĐ tỉnh đã có văn bản báo cáo Tổng LĐLĐ Việt Nam về các vướng mắc trên, đồng thời kiến nghị sớm điều chỉnh để bảo vệ quyền lợi người lao động. Tổng LĐLĐ nói là sẽ họp liên ngành giải quyết khó khăn này” - ông Hải thông tin.

Ông Lê Hùng Chính, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Khánh Hòa, cũng cho rằng những quy định trên là khắc nghiệt, chắc chắn sẽ không thể khởi kiện các đơn vị nợ BHXH. Trước sự bế tắc này, người bị thiệt hại chính là người lao động. Họ đã trích lương đóng tiền BHXH, DN không đóng phần của mình mà còn giữ luôn phần của người lao động nên chúng tôi không thể chốt sổ. Sau này không thể chi trả cho người lao động. Hiện BHXH Việt Nam cũng đang kiến nghị sửa luật để thủ tục khởi kiện dễ hơn nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động.

Nhiều doanh nghiệp nợ BHXH nhưng đóng cửa

Theo ông Bùi Đăng Thành, Trưởng ban Chính sách pháp luật LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa, hiện tỉnh này có đến 239 đơn vị nợ BHXH từ sáu tháng trở lên có thể bị khởi kiện. Ngoài ra, còn có 154 đơn vị nợ BHXH nhưng không còn hoạt động. Tuy nhiên, do quy định thủ tục phức tạp nên hiện nay chưa kiện được đơn vị nào.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm