Kiến nghị bỏ quy định chỉ được ủy quyền cho cấp phó

Theo văn bản này, UBND TP kiến nghị Thủ tướng, Bộ Tư pháp, TAND Tối cao… xem xét, kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật Tố tụng hành chính 2015 theo hướng bãi bỏ quy định tại khoản 3 Điều 60 về việc người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó trực tiếp.

Cụ thể, theo khoản 3 Điều 60, trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện và “người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của luật này”. Người đại diện theo ủy quyền thì không được ủy quyền lại cho người thứ ba theo khoản 5 điều này.

Trước đây, ngày 16-5-2016, UBND TP.HCM từng có Công văn số 241 báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng, bộ trưởng Bộ Tư pháp và chánh án TAND Tối cao về khó khăn, vướng mắc dự kiến sẽ gặp đối với vấn đề này.

Sau khi luật có hiệu lực (ngày 1-7-2016), TP.HCM thụ lý gần 1.000 vụ án hành chính trong hơn một năm. Như vậy, trung bình một ngày TP.HCM có gần ba vụ án hành chính. Mỗi vụ án hành chính kéo dài từ bốn đến sáu tháng hoặc hơn chín tháng nếu có quyết định tạm đình chỉ vụ án, người bị kiện phải tham gia rất nhiều giai đoạn như cung cấp chứng cứ, đối thoại, xác minh và các phiên tòa... Với mức độ quản lý, điều hành tại TP.HCM, chủ tịch UBND TP, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, chủ tịch UBND các quận, huyện hầu như không thể xếp lịch làm việc theo lệnh triệu tập của tòa để tham gia tất cả giai đoạn của gần 1.000 vụ án hành chính trong một năm công tác.

Vì vậy, trong giai đoạn vừa qua, do bị động trong việc lên kế hoạch tham gia tố tụng, người bị kiện thường vắng mặt trong tất cả trình tự, thủ tục xét xử. Nhiều trường hợp dù thủ trưởng cơ quan bị kiện đã có văn bản ủy quyền cho cấp dưới và người được ủy quyền trực tiếp tham gia tố tụng vẫn được xem là người bị kiện vắng mặt và yêu cầu phải cung cấp thêm văn bản đề nghị xét xử vắng mặt của thủ trưởng cơ quan, đơn vị.

Do đó, theo UBND TP, việc quy định và bắt buộc người bị kiện phải trực tiếp tham gia tố tụng, chỉ được ủy quyền cho cấp phó trực tiếp mà không được ủy quyền cho cán bộ, công chức trực tiếp tham mưu xử lý vụ việc tham gia tố tụng là không phù hợp với thực tiễn và yêu cầu công tác tại TP.HCM

UBND TP còn kiến nghị bãi bỏ quy định cán bộ, công chức trong cơ quan thanh tra, cơ quan công an không được làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện. Đồng thời, UBND TP cũng đề xuất bãi bỏ quy định cán bộ, công chức trong cơ quan thanh tra, cơ quan công an không được làm người đại diện theo ủy quyền của người bị kiện...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm