Kiện vì không được đi nước ngoài cùng chàng

Ngày 15-6, TAND TP.HCM đưa vụ án tranh chấp hợp đồng dịch vụ giữa bà NTH (ngụ TP Mỹ Tho, Tiền Giang) với Công ty TNHH D. (văn phòng tại quận 1, TP.HCM) ra xử sơ thẩm. Bà H. yêu cầu công ty trả lại 11.000 USD và 2.350 CAD (đôla Canada), tương đương 300 triệu đồng.

Chàng xuất ngoại, nàng ở lại

Tại tòa, bà H. trình bày ngày 2-7-2008, tại văn phòng Công ty D., bà và chồng là ông T. ký hợp đồng dịch vụ với công ty này. Theo đó, công ty D. và các đối tác thực hiện hồ sơ đại diện cho khách hàng (cùng các thành viên trong gia đình) nộp đơn xin định cư tại Canada theo diện người có trình độ (skilled worker).

Ngoài hợp đồng chính do chồng bà đại diện gia đình ký với công ty, bà còn trực tiếp ký một phụ lục hợp đồng cùng ngày để thanh toán phí dịch vụ hợp đồng chính. Tổng số tiền mà bà trực tiếp ký cho công ty (con số mà bà kiện đòi) có chứng từ ký nhận. “Trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng, tôi không hề được công ty thông báo diễn biến vụ việc. Mãi đến tháng 3-2012, bất ngờ chồng tôi đã xuất cảnh sang Canada mà danh sách không có tôi đi cùng. Trong khi tôi đã cung cấp hồ sơ cá nhân chung với chồng cho công ty theo hợp đồng đã ký. Tiếp đó, tôi đã cùng luật sư liên hệ công ty tìm hiểu thì được giải đáp là công ty chỉ ký hợp đồng với chồng tôi là ông T. Tôi không đủ tư cách pháp lý để giải quyết những vấn đề liên quan đến hợp đồng” - bà H. khai.

Bà H. khẳng định không biết lý do gì mà chồng bà đi được mà bà thì không. công ty trả lời bà là chồng bà tự túc xin visa đi học sang Canada. Như vậy công ty đã nhận tiền dịch vụ của bà nhưng không lo cho bà đi cùng.

“Ký hợp đồng với người độc thân”

Phía Công ty D. xác định có nhận hồ sơ của bà H. là một passport, giấy kết hôn và lý lịch tư pháp (phôtô). Nhưng theo công ty, từ trước đến nay công ty chỉ nhận làm dịch vụ với ông T. Cụ thể ông T. là người ký hợp đồng và đã thanh toán 6.000 USD. Sau đó, đôi bên còn ký thêm một phụ lục để xin giấy chứng nhận được làm việc ở Canada với phí 8.000 USD. Cùng ngày, công ty cũng ký thêm một phụ lục xin giấy phép tuyển dụng nhân sự nhưng ông T. không sử dụng dịch vụ này.

Tại thời điểm ký hợp đồng, ông T. còn độc thân. Đến ngày 15-8-2008, ông T. đăng ký kết hôn với bà H., công ty đã bổ sung tên bà H. là người đi kèm. Nhưng đến ngày 25-12-2013, ông T. ký đơn từ chối bà H. đi kèm. Công ty đã hoàn thành dịch vụ đối với ông T. Ông đã xin được visa và thanh lý hợp đồng. Vì vậy công ty không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của bà H. Ngoài ra, công ty cũng cho rằng phụ lục hợp đồng bà H. cung cấp là tờ rơi chứ công ty không ký với bà.

Trình bày lại, bà H. cho rằng tiền dịch vụ đều do bà đóng và đã đưa hồ sơ đầy đủ. Hai người cùng ký hợp đồng dịch vụ nhưng công ty không xin visa cho bà nên phải trả lại tiền. Bà cũng khẳng định sau khi ông T. đi được ba ngày bà mới được em chồng báo là ông đã đi với người phụ nữ khác.

Phía công ty lập luận khi ký hợp đồng ông T. độc thân nên công ty không làm việc với bà. Và khi làm phỏng vấn lãnh sự, ông T. đơn phương bỏ việc cho bà H. đi cùng...

Vụ án chưa có hồi kết

Đáng chú ý trong vụ kiện, bà H. có cung cấp một bản cam kết năm 2011 giữa ông T. và bà thể hiện tiền chi phí là do bà đóng. Tuy nhiên, luật sư của công ty đặt vấn đề về tính pháp lý của cam kết, bởi trong bản án ly hôn năm 2013 giữa hai vợ chồng (bà H. vắng mặt), ông T. khẳng định không có tài sản, nợ chung... Còn bà H. sau đó không hề kháng cáo án trên.

Từ Canada, ông T. cũng gửi một bản tự khai rằng mâu thuẫn giữa ông với bà H. là chuyện nội bộ trong gia đình, không liên quan đến việc xin thường trú của ông với công ty. Vì vậy, ông mong tòa không giải quyết vụ kiện tụng của bà H. với công ty. Bởi ông mới là người có quyền quyết định nội dung hợp đồng giữa ông và công ty.

Cuối phần tranh luận, bà H. vẫn khẳng định công ty làm hồ sơ cho bà nên bà kiện công ty chứ không kiện ông T.

Do vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, HĐXX quyết định sẽ tiếp tục phiên tòa vào tuần sau.

Định cư Canada theo diện skilled worker là gì?

Canada cũng như Úc là những nước đang thiếu hụt nguồn lao động và dân số trẻ. Chương trình nhập cư được ra đời nhằm thu hút lực lượng trí thức và những người có tài chính sang sinh sống nhằm cân bằng tỉ lệ dân số và nguồn lao động.

Chương trình định cư Canada theo diện skilled worker liên bang cho phép người đứng đơn và các thành viên gia đình đi theo (vợ/chồng và con cái dưới 22 tuổi) định cư Canada dưới dạng thường trú nhân (PR) và nhập quốc tịch sau khoảng bốn năm sinh sống. Diện skilled worker được hiểu như chương trình dành cho người có trình độ, kỹ năng, không phải visa lao động tạm thời mà là định cư chính thức như các chương trình bảo lãnh, đoàn tụ gia đình.

Bộ Di trú Canada dựa trên những yếu tố cơ bản nhất định và đánh giá rằng người nộp đơn và các thành viên gia đình đi theo có khả năng thành công hòa nhập cộng đồng Canada trong khoảng thời gian nhất định nhằm góp phần phát triển nguồn lao động trẻ và tăng dân số cho Canada.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm