Kỷ luật cán bộ VKS nếu cố ý vi phạm quyền của luật sư

Quy định về xử lý kỷ luật áp dụng đối với công chức, viên chức, người lao động thuộc VKSND các cấp (xin gọi chung là cán bộ VKS) có hành vi vi phạm pháp luật, quy chế, quy định của ngành nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong văn bản này, đáng chú ý là một số vi phạm trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, xét xử án hình sự sau đây sẽ bị xử lý kỷ luật: Vi phạm quy định về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần, thủ tục bắt buộc chữa bệnh, việc yêu cầu cử người bào chữa trong trường hợp pháp luật quy định bắt buộc; cố ý không thực hiện quy định về cấp, giao, gửi hoặc thông báo các quyết định, văn bản tố tụng hình sự.

Đặc biệt, cán bộ VKS sẽ bị xử lý kỷ luật nếu cố ý vi phạm quy định về quyền của luật sư hoặc những người tham gia tố tụng khác trong quá trình tố tụng; để xảy ra trường hợp tòa trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung có lỗi của mình vượt quá chỉ tiêu theo quy chế, quy định của ngành.

Bên cạnh đó là một loạt vi phạm về thiếu trách nhiệm cũng sẽ bị xử lý kỷ luật: Thiếu trách nhiệm dẫn đến không phát hiện, đề xuất hoặc không kháng nghị bản án, quyết định của tòa có vi phạm pháp luật nghiêm trọng dẫn đến vụ án có vi phạm nhưng không khắc phục được. Thiếu trách nhiệm dẫn đến việc tòa tuyên hủy án sơ thẩm hoặc phúc thẩm để điều tra hoặc xét xử lại có trách nhiệm của VKS trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Thiếu trách nhiệm dẫn đến hư hỏng, mất, thất lạc hồ sơ, tài liệu, vật chứng, chứng cứ của vụ án. Thiếu trách nhiệm dẫn đến việc quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can không đúng quy định; vi phạm các quy định khác của pháp luật và quy chế, quy định của ngành về thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, xét xử các vụ án hình sự. Thiếu trách nhiệm để xảy ra việc đình chỉ điều tra bị can, đình chỉ vụ án do không phạm tội hoặc tòa ra bản án tuyên bị cáo không phạm tội đã có hiệu lực pháp luật. Thiếu trách nhiệm để xảy ra việc tạm giữ, tạm giam quá thời hạn; cố ý báo cáo sai sự thật dẫn đến người có thẩm quyền ra quyết định hoặc cho đường lối giải quyết vụ, việc không đúng quy định của pháp luật. Thiếu trách nhiệm dẫn đến trong một năm công tác để xảy ra việc đình chỉ do bị can không phạm tội đối với từ hai bị can trở lên hoặc tòa ra bản án có hiệu lực pháp luật tuyên không phạm tội đối với từ hai bị cáo trở lên. Thiếu trách nhiệm dẫn đến trong một năm công tác để xảy ra việc tạm giữ, tạm giam quá thời hạn từ hai người trở lên...

Tùy theo tính chất mức độ vi phạm, cán bộ VKS có thể bị xử lý kỷ luật bằng các hình thức như khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương (áp dụng đối với công chức); giáng chức (áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý); cách chức (áp dụng đối với công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; công chức giữ chức danh kiểm sát viên, điều tra viên, kiểm tra viên); buộc thôi việc. Kèm theo đó là những hậu quả tương ứng như không được thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm; không được xét thi đua; bị kéo dài thời hạn nâng lương...

Đáng chú ý, người đang trong thời gian bị xem xét kỷ luật thì không được ứng cử, đề cử, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng, thi nâng ngạch, giải quyết nghỉ hưu hoặc thôi việc. Người bị kỷ luật cách chức do tham nhũng thì không được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý... 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm