Kỹ sư xây dựng, hàng hải đều có thể làm trọng tài viên

GS Lê Hồng Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), một trọng tài viên (TTV) của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đã khẳng định như trên tại tọa đàm VIAC và luật sư ngày 4-4.

Theo GS Lê Hồng Hạnh, trong bối cảnh tranh chấp dân sự, thương mại hiện nay thì cơ chế trọng tài sẽ góp phần tốt hơn vào việc bảo đảm quyền con người và lẽ công bằng trong việc giải quyết tranh chấp.

GS Lê Hồng Hạnh cho rằng không có một hạn chế nào và bất kể ai được các bên tín nhiệm cũng trở thành TTV.

Nhìn về chiến lược cải cách tư pháp trong những năm qua, GS Lê Hồng Hạnh cho rằng mục tiêu tăng cường các cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài tố tụng vẫn còn nhiều hạn chế. “Tòa án chưa hẳn là sự lựa chọn giải quyết tranh chấp, nhất là đối với các doanh nghiệp nước ngoài”, GS Lê Hồng Hạnh nói.

Đó cũng là lý do khiến cho việc vận dụng cơ chế trọng tài, một trong những phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp với xu thế hội nhập, có điều kiện phát triển. “Đây là một “trò chơi dân chủ”, hỗ trợ rất tốt cho hệ thống tòa án vốn đang quá tải”, GS Lê Hồng Hạnh khẳng định.

Sau khi giải thích một số điểm khác biệt, tương thích giữa hệ thống tòa án và cơ chế trọng tài, GS Lê Hồng Hạnh cho rằng trong quan hệ giữa luật sư và TTV cả hai bên đều được các bên tranh chấp tin tưởng nên cần chung tay kiến tạo một quy trình riêng hoặc chấp nhận những quy trình đã có để giải quyết tranh chấp.

GS Lê Hồng Hạnh lưu ý LS và TTV phải hợp tác với nhau, tìm mọi cách để công lý được tiếp cận, chứ không phải vấn đề thắng-thua. “Luật sư và TTV không nên có áp đặt quan điểm cá nhân mà không dựa trên bằng chứng, chứng cớ khách quan. Thay vào đó, phải cùng nhau xác định bản chất và sự thật của vụ việc”, GS Lê Hồng Hạnh nói.

Đặt vấn đề về việc liệu có xung đột khi một người vừa là luật sư vừa là TTV không, GS Lê Hồng Hạnh nói về nguyên lý TTV là do các bên lựa chọn. Như vậy, TTV có thể là bất kỳ ai mà các bên tin tưởng về khả năng, trình độ và kinh nghiệm.

“Không có sự hạn chế nào đối với bất kể ai để trở thành TTV. Không một quốc gia nào hạn chế sự tham gia của luật sư vào hoạt động trọng tài. Kỹ sư xây dựng, kỹ sư hàng hải… đều có thể là TTV nếu được các bên mời nếu có kinh nghiệm và am hiểu chuyên môn”, GS Lê Hồng Hạnh khẳng định.

Ông Tưởng Duy Lượng, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, cho rằng vấn đề hiện nay là các thẩm phán phần lớn quen với tố tụng truyền thống, còn tố tụng trọng tài thì các thẩm phán chưa tiếp xúc nhiều. Bởi thế, ông Tưởng Duy Lượng cho rằng: “Nếu xử lý các phán quyết trọng tài không chính xác thì xã hội và doanh nghiệp có thể không nhận thức đúng về cơ chế trọng tài”.

Nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao Tưởng Duy Lượng:"Nếu không xử lý đúng thì xã hội và doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về cơ chế trọng tài".

Theo ông Tưởng Duy Lượng, người đã viết sách về cơ chế trọng tài, giữa tố tụng dân sự với tố tụng trọng tài có nhiều điểm khác biệt căn bản. “Tố tụng dân sự là tố tụng theo luật định, còn tố tụng trọng tài là một loại tố tụng tùy nghi, chính xác là tố tụng do Hội đồng trọng tài “sáng tạo” ra dựa trên nguyên tắc thỏa thuận và thống nhất”.

Cũng theo ông Lượng, ngoài những nguyên tắc căn bản của pháp luật, việc thỏa thuận giữa các bên cũng như quy tắc của một trung tâm trọng tài là cốt hồn của cơ chế trọng tài.

Tuy hiện nay phán quyết trọng tài không còn bị hủy tùy tiện nhưng theo các đại biểu tham dự tọa đàm, việc thi hành phán quyết trọng tài cần có vai trò của luật sư để kết quả được thúc đẩy nhanh hơn.

Trong tinh thần đó, Chủ tịch VIAC, luật sư Trần Hữu Huỳnh cho hay: Sự hợp tác giữa luật sư và TTV nếu tuân thủ pháp luật và quy tắc về trọng tài sẽ suôn sẻ, thuận lợi.

Chủ tịch VIAC, luật sư Trần Hữu Huỳnh (giữa) nói cơ chế trọng tài quan trọng nhất là phải sáng và sạch.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh khẳng định rằng quá trình tố tụng trọng tài luôn đảm bảo minh bạch, công khai để bảo vệ được lẽ phải, lẽ công bằng được tôn trọng. “Phán quyết trọng tài đưa lại nhiều giá trị, nếu có thể công bố công khai thì những phán quyết ấy có thể trở thành khuôn mẫu trong các giáo trình luật” - luật sư Trần Hữu Huỳnh nói.

Cuối cùng, LS Trần Hữu Huỳnh, người luôn mong muốn xây dựng một cơ chế trọng tài sạch, khẳng định: “Những người tham gia cơ chế trọng tài, từ ban điều hành, thư ký, các TTV phải là những người không dính dáng đến tham nhũng, tiêu cực”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm