Lại miễn trách nhiệm hình sự để né bồi thường

Sau bốn năm với năm bản cáo trạng, năm phiên tòa nhưng không kết tội được, cuối cùng CQĐT… miễn trách nhiệm hình sự.

Ông Phạm Ngọc Sum (54 tuổi, ngụ huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) cho biết đang khiếu nại quyết định đình chỉ điều tra bị can ngày 9-8 của công an huyện này đối với ông. Ông Sum cho rằng mình không có lỗi trong một vụ tai nạn giao thông (TNGT) nhưng lại bị khởi tố, truy tố, cuối cùng vì không kết tội được ông nên CQĐT mới miễn trách nhiệm hình sự (TNHS) để né bồi thường oan.

Không kết luận được nguyên nhân tai nạn

Theo hồ sơ, trưa 12-7-2012, ông Sum lái xe tải quay đầu trên quốc lộ 1. Vào thời điểm đó có hai xe máy từ xa đi đến. Một chiếc xe máy dừng lại chờ xe tải quay đầu. Riêng xe máy của anh Lương Nguyễn Khắc Duy chở người em là Phạm Duy ngồi phía sau vẫn không giảm tốc độ mà vượt lên nên va chạm vào hông xe tải làm anh Phạm Duy bị thương.

Sau đó, hai bên không báo cơ quan chức năng mà tự thỏa thuận. Cụ thể, ông Sum đã lo toàn bộ viện phí, sửa chữa xe máy và chi tiền bồi dưỡng cho anh Phạm Duy. Tuy nhiên, do hai bên không thống nhất được số tiền bồi thường nên gia đình anh Phạm Duy đã gửi đơn khiếu nại đến Công an huyện Hàm Thuận Nam.

Tháng 10-2013, cơ quan CSĐT công an huyện này đã có bản kết luận xác minh vụ TNGT này và ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Theo CQĐT, quá trình xác định hiện trường vụ tai nạn, hai bên liên quan không xác định được vị trí va chạm chính xác của hai xe. Các bên tự sửa chữa các phương tiện liên quan. Do đó, CQĐT không đủ cơ sở, căn cứ kết luận nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn. CQĐT cũng hướng dẫn hai bên có thể khởi kiện ra tòa để yêu cầu giải quyết dân sự.

Ông Sum cho biết sẽ tiếp tục khiếu nại quyết định đình chỉ điều tra bị can. Ảnh: P.NAM

Năm cáo trạng, năm phiên tòa

Tưởng vụ việc dừng lại ở đây nhưng bất ngờ một tháng sau, CQĐT lại ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Sum (cho tại ngoại) về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Căn cứ để CQĐT khởi tố ông Sum là các biên bản dựng lại hiện trường sau hơn một năm xảy ra vụ TNGT và lời khai của người thợ sửa chiếc xe máy bị hư hỏng (?!).

Từ tháng 6-2014 đến tháng 12-2015, VKSND huyện Hàm Thuận Nam đã ban hành đến… năm bản cáo trạng truy tố ông Sum. TAND huyện này cũng năm lần mở phiên xử nhưng đều trả hồ sơ yêu cầu VKS điều tra bổ sung vì không đủ căn cứ buộc tội.

Trong hai bản cáo trạng đầu, VKS khẳng định nguyên nhân gây ra vụ TNGT là do ông Sum quay đầu xe không quan sát. Ba bản cáo trạng còn lại thì nhận định: “Đây là vụ án có lỗi hỗn hợp, trong đó người điều khiển mô tô đi trên đoạn đường có biển cảnh báo nguy hiểm nhưng không giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối đa cho phép đến mức không còn nguy hiểm. Tuy nhiên, xét người điều khiển mô tô là anh cùng cha khác mẹ với nạn nhân, hơn nữa thương tích của nạn nhân hạn chế (31% thương tật tạm thời) và sức khỏe đã hồi phục, hiện đã đi nghĩa vụ quân sự, do đó không xử lý hình sự người đi mô tô và xem xét giảm nhẹ cho ông Sum” (?!).

Không đồng tình với các bản cáo trạng, ông Sum lần lượt gửi đơn khiếu nại nhưng đều bị VKSND huyện bác đơn. Trong hai năm 2014 và 2015, ông Sum ba lần gửi đơn khiếu nại đến VKSND tỉnh Bình Thuận. Cả ba lần, VKSND tỉnh đều chấp nhận khiếu nại của ông, hủy quyết định giải quyết khiếu nại của VKSND huyện Hàm Thuận Nam; yêu cầu VKSND huyện rút hồ sơ và quyết định truy tố theo cáo trạng để trả hồ sơ cho CQĐT điều tra bổ sung làm rõ. VKSND tỉnh cũng yêu cầu VKSND huyện làm rõ chứng cứ buộc tội ông Sum.

Cuối cùng, ngày 9-8-2016, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hàm Thuận Nam đã ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Sum theo khoản 1 Điều 25 BLHS với lý do: “Trong vụ án có phần lỗi của Lương Nguyễn Khắc Duy điều khiển mô tô không dừng lại an toàn khi có chướng ngại vật phía trước. Do đó xét thấy hậu quả của vụ tai nạn, phần lỗi của Phạm Ngọc Sum gây ra đến nay hành vi đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”.

“Tôi sống bằng nghề lái xe. Từ khi bị khởi tố, bằng lái xe của tôi bị CQĐT thu giữ, tôi bị cấm đi khỏi nơi cư trú nên đành phải ở nhà. Lý do mà CQĐT đưa ra để miễn TNHS đối với tôi hoàn toàn không hợp lý, không thuyết phục, chỉ là cách để né xin lỗi, né bồi thường cho hơn 1.000 ngày tôi phải mang trên vai thân phận bị can” - ông Sum bức xúc. Ông cho biết sẽ tiếp tục khiếu nại để tìm lẽ công bằng.

Luật mới chi tiết hơn nhưng còn kẽ hở

Báo Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh hàng chục vụ CQĐT, VKS nóng vội xử lý hình sự, sau một thời gian bế tắc vì không kết tội được, thay vì đình chỉ điều tra do “hành vi không cấu thành tội phạm” hoặc “đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được tội phạm”, các cơ quan tố tụng lại lạm dụng khoản 1 Điều 25 BLHS hiện hành để miễn TNHS. Điều khoản này quy định: Người phạm tội được miễn TNHS nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Với việc miễn TNHS theo điều khoản này, người bị oan sẽ không được xin lỗi, bồi thường theo luật định.

Việc lạm dụng miễn TNHS để né bồi thường oan đã gây bức xúc cho người dân. Ở một số kỳ họp Quốc hội, có những đại biểu Quốc hội đã nêu vấn đề này ra chất vấn lãnh đạo các ngành tố tụng trung ương.

Để khắc phục, Điều 29 BLHS 2015 (đang tạm lùi hiệu lực thi hành) đã quy định về các căn cứ miễn TNHS chi tiết hơn Điều 25 BLHS hiện hành. Tuy nhiên, Điều 29 BLHS 2015 vẫn còn kẽ hở như quy định trường hợp có thể được miễn TNHS “do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” (điểm a khoản 2). Quy định này lặp lại lỗi chung chung của khoản 1 Điều 25 BLHS hiện hành nên cần phải có hướng dẫn rõ ràng.

Một số vụ né bồi thường oan

- Tháng 12-2014, VKSND huyện Cần Giờ (TP.HCM) đã miễn TNHS, đình chỉ điều tra bị can đối với anh Trần Hoàng Minh theo khoản 1 Điều 25 BLHS. Sau khi Pháp Luật TP.HCM phản ánh vụ việc, cuối năm 2015, VKS huyện đã “đính chính” quyết định đình chỉ điều tra với lý do không chứng minh được anh Minh phạm tội. Trước đó, tháng 9-2013, anh Minh bị công an, VKSND huyện Cần Giờ cáo buộc trộm một máy tính xách tay dù anh có chứng cứ ngoại phạm...

- Tháng 5-2012, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã đình chỉ điều tra bị can đối với ông Hồ Thanh Hải về hai tội trốn thuế (do hết thời hiệu truy cứu TNHS) và lừa đảo chiếm đoạt tài sản (do hành vi không còn nguy hiểm cho xã hội). Ông Hải là chủ một DNTN, năm 2004 bị khởi tố, truy tố về hai tội trên. CQĐT từng ra sáu bản kết luận điều tra và ba lần trưng cầu giám định tư pháp về thuế; VKSND TP từng có cáo trạng truy tố ông nhưng TAND TP trả hồ sơ vì không thể kết tội được…

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...

Trẻ em bao nhiêu tuổi phải đội mũ bảo hiểm?

Trẻ em bao nhiêu tuổi phải đội mũ bảo hiểm?

(PLO)- Trẻ em khi đến tuổi theo quy định, nếu không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông thì người điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, theo Nghị định 100/2019.