Làm đúng nhưng thua kiện vì hợp đồng không rõ

TAND TP Cần Thơ vừa xử phúc thẩm một vụ tranh chấp hợp đồng gia công đóng ghe giữa nguyên đơn NCH và bị đơn LVC. Theo đó, tòa chấp nhận kháng cáo của ông H., sửa toàn bộ bản án sơ thẩm, hủy hợp đồng đóng ghe sắt, buộc ông C. phải trả cho ông H. 150 triệu đồng tiền cọc.

Mâu thuẫn vì loại sắt làm cây cong

Trước đó, trong đơn khởi kiện, ông H. trình bày do nhu cầu làm ăn, ngày 20-10-2013, ông có đến cơ sở đóng ghe sắt của ông C. ở quận Thốt Nốt để đặt đóng một ghe sắt tải trọng 50 tấn với số tiền 465 triệu đồng. Hai bên ký hợp đồng ngay trong ngày và ông H. đã đặt cọc 150 triệu đồng.

Quá trình cơ sở của ông C. đóng ghe, ông H. kiểm tra, phát hiện cơ sở của ông C. có sử dụng cây cong để đóng sườn ghe làm từ phôi sắt chứ không phải sắt tấm như thỏa thuận trong hợp đồng. Nhiều lần ông đã đề nghị ông C. thay đổi nhưng không có kết quả. Ông đề nghị ông C. trả lại tiền cọc để đi nơi khác đóng ghe nhưng ông C. không chịu. Do đó ông khởi kiện yêu cầu TAND quận Thốt Nốt hủy hợp đồng với ông C. và buộc ông C. trả lại cho ông 150 triệu đồng tiền cọc.

Ra tòa, ông C. nói quá trình thực hiện hợp đồng, ông đã mua sắt tấm, cây cong cùng nhiều vật liệu khác để đóng ghe cho ông H. Khi ông H. cho rằng cây cong để đóng sườn ghe không làm từ sắt tấm và đòi hủy hợp đồng thì ông đã giải thích rất rõ rằng cây cong không thể làm từ sắt tấm mà chỉ có thể làm từ phôi sắt. Các cơ sở đóng ghe khác cũng đều sử dụng cây cong làm từ phôi sắt để đóng sườn ghe như thế cả. Việc ông sử dụng cây cong làm từ phôi sắt để đóng sườn ghe trong trường hợp này là hoàn toàn đúng kỹ thuật. Phía ông H. tự ý hủy hợp đồng nên phải chịu mất cọc chứ ông không trả lại tiền.

Hai cấp tòa, hai quan điểm trái ngược

Xử sơ thẩm hồi tháng 5-2015, TAND quận Thốt Nốt nhận định: Trong hợp đồng, hai bên chỉ thỏa thuận loại sắt để đóng mình ghe là sắt tấm, còn loại sắt để đóng phần sườn ghe thì lại không thỏa thuận rõ là loại sắt nào. Tuy nhiên, qua khảo sát, các cơ sở đóng ghe trên địa bàn quận Thốt Nốt đều khẳng định cây cong để đóng sườn ghe phải làm từ phôi sắt chứ không làm từ sắt tấm.

Cạnh đó, ông C. đã mua đầy đủ các vật liệu để làm ghe, tức là đã chi vượt số tiền mà ông H. đặt cọc. Việc phía ông H. nại ra lý do ông C. làm cây cong không phải là sắt tấm nên tự ý chấm dứt hợp đồng là không có cơ sở. Lỗi là của ông H. nên ông phải chịu mọi hậu quả do tự ý nửa chừng chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, do trong hợp đồng không thỏa thuận ai sẽ phải bồi thường thiệt hại nếu một trong các bên không thực hiện hợp đồng nên tòa chỉ tuyên bác yêu cầu đòi tiền cọc của ông H.

Sau đó, ông H. kháng cáo. Tại phiên xử phúc thẩm mới đây, TAND TP Cần Thơ nhận định: Theo khoản 2 Điều 521 BLDS, trong trường hợp bên cung ứng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên thuê dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Ở đây, hợp đồng giữa hai bên không thể hiện cây cong làm bằng loại sắt gì nên khi làm cây cong bằng vật liệu khác, đáng lẽ ông C. phải báo cho ông H. biết nhưng lại không báo. Ông H. phát hiện làm cây cong không đúng yêu cầu của mình và nói ông C. đổi vật liệu nhưng ông C. không đổi mà cứ tiếp tục làm. Thực tế ông C. cũng chỉ mới mua vật liệu về chứ chưa làm ghe hoàn chỉnh. Từ đó, tòa phúc thẩm đã tuyên án ngược hoàn toàn với bản án sơ thẩm như đã nói.

Qua vụ việc này có thể thấy việc bị đơn dùng cây cong làm từ phôi sắt để đóng sườn ghe là đúng kỹ thuật truyền thống của các cơ sở đóng ghe địa phương. Tuy nhiên, chỉ vì có thiếu sót là không thỏa thuận rõ trong hợp đồng rằng sử dụng cây cong làm bằng loại sắt gì, đồng thời không thông báo trước cho nguyên đơn, cũng không thay đổi loại vật liệu làm cây cong theo đúng yêu cầu của nguyên đơn mà bị đơn đã phải thua kiện.

Quyền của bên thuê dịch vụ

Bên thuê dịch vụ có các quyền sau đây:

1. Yêu cầu bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc theo đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và các thỏa thuận khác;

2. Trong trường hợp bên cung ứng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên thuê dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

(Theo Điều 521 BLDS 2005)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.