Làm thế nào để bị can được đọc, ghi chép tài liệu?

Tôi hoàn toàn đồng ý với việc bổ sung quyền của bị can được đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ như dự thảo. Tuy nhiên, từ thực tiễn thi hành BLTTHS 2003, tôi đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể để đảm bảo quyền này phải được thực thi ngay khi BLTTHS (sửa đổi) có hiệu lực. Có thể dẫn chứng là theo luật hiện hành, tuy đã có quy định quyền của người bào chữa sau khi kết thúc điều tra được đọc, ghi chép, sao chụp hồ sơ liên quan đến việc bào chữa cho bị can nhưng người bào chữa lại rất khó thực hiện quyền này.

Cụ thể, khoản 2 Điều 11 Thông tư số 70 ngày 10-10-2010 của Bộ Công an quy định trong thời hạn hai ngày kể từ ngày ra bản kết luận điều tra, cơ quan điều tra (CQĐT) phải gửi bản kết luận điều tra đề nghị truy tố cho bị can, người bào chữa. Sau khi kết thúc điều tra, nếu người bào chữa đề nghị được đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án có liên quan đến việc bào chữa thì CQĐT phải tạo điều kiện thuận lợi cho người bào chữa thực hiện yêu cầu này.

Nhưng trong thực tiễn, hầu như người bào chữa không thể thực hiện được quyền này. Bởi khoản 4 Điều 162 BLTTHS 2003 cũng quy định trong thời hạn hai ngày kể từ ngày ra bản kết luận điều tra, CQĐT phải gửi bản kết luận điều tra đề nghị truy tố kèm theo hồ sơ vụ án cho VKS cùng cấp. Do đó, khi người bào chữa yêu cầu được đọc, ghi chép, sao chụp hồ sơ liên quan đến việc bào chữa cho bị can, CQĐT thường viện dẫn quy định trên để từ chối với lý do đã chuyển hồ sơ cho VKS cùng cấp.

Như vậy, nếu dự thảo BLTTHS (sửa đổi) không quy định cụ thể về thời điểm đọc, ghi chép bản sao tài liệu theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho bị can, đồng thời sửa lại khoản 4 Điều 162 BLTTHS cho hợp lý thì e rằng CQĐT cũng viện dẫn lý do “đã chuyển hồ sơ cho VKS cùng cấp” để từ chối yêu cầu của bị can. Lúc đó, quy định về quyền đọc, ghi chép bản sao tài liệu của bị can cũng chỉ là hình thức, không thể thi hành trong thực tiễn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm