Làm theo lệnh cấp trên vẫn là cố ý làm trái?

Tiếp tục phiên xử đại án OceanBank ngày 8-9, các luật sư tham gia thẩm vấn các bị cáo nguyên là giám đốc các chi nhánh, phòng giao dịch của OceanBank về hành vi cố ý làm trái. Các bị cáo được xét hỏi đều cho rằng mình bị oan, không hiểu vì sao lại bị buộc tội cố ý làm trái vì việc chi “chăm sóc khách hàng” đã giúp OceanBank “ăn nên làm ra”.

“Chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên”

Bị cáo Phan Thị Tú Anh (cựu giám đốc OceanBank Chi nhánh Quảng Ngãi) trình bày: Chi nhánh do bị cáo làm giám đốc lãi hơn 214 tỉ đồng, là một trong những chi nhánh mang lại nhiều lợi nhuận nhất trong hệ thống OceanBank. Bị cáo Tú Anh cho rằng mình buộc phải thực hiện đúng theo quy định của ngân hàng cũng như hợp đồng lao động, theo lệnh cấp trên chứ không được bàn bạc, không phải “cố ý làm trái”.

Cựu chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm sau đó xác nhận: “Chị Tú Anh nói hoàn toàn đúng”.

“Số tiền chi lãi đem lại lợi nhuận cho OceanBank. Tôi và hơn 30 giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch hôm nay phải ngồi đây, chúng tôi không hiểu sao lại bị cáo buộc về tội cố ý làm trái” - cựu giám đốc Chi nhánh Vũng Tàu Nguyễn Thị Kiều Liên nói.

Bị cáo Kiều Liên cho rằng cáo trạng quy kết bị cáo và đồng nghiệp cố ý làm trái là không phù hợp. Bị cáo cũng cho rằng 34 giám đốc chi nhánh không được bàn bạc, thống nhất với HĐQT về chủ trương chi lãi suất mà là “buộc phải thực hiện”. Bị cáo Liên nêu lại nội quy lao động của OceanBank, theo đó người lao động sẽ bị xử lý kỷ luật, cách chức nếu cản trở công việc của OceanBank và cản trở người khác làm việc ở OceanBank.

Cựu chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm xác nhận các giám đốc chi nhánh chỉ làm theo chỉ đạo của mình. Ảnh: THU NGUYỆT

“Chúng tôi bị oan”

Luật sư của bị cáo Trần Thị Thiên Ngân, cựu giám đốc OceanBank Chi nhánh Đà Nẵng, hỏi: “Cáo trạng quy buộc tội cố ý làm trái, quan điểm của chị thế nào?”. Nghe luật sư hỏi vậy, bị cáo Ngân bật khóc. Sau khi luật sư trấn an, bị cáo Thiên Ngân “xin trình bày ngắn gọn năm vấn đề”.

“Tất cả bị cáo ở đây không cố ý, chúng tôi phải làm theo chỉ đạo. Chúng tôi không gây hậu quả, điều này thể hiện trong báo cáo (tài chính của OceanBank). Các giám đốc chi nhánh không chi sai nguyên tắc kế toán như cáo buộc của cáo trạng, chi nhánh không được hạch toán, không được tạm ứng, không được lấy tiền từ ngân hàng ra. Cáo trạng quy kết chúng tôi chỉ đạo nhân viên thực hiện việc chi lãi ngoài, thực tế chúng tôi không có quyền chỉ đạo mà phải nhận chỉ đạo”.

Nói tới đây, bị cáo Thiên Ngân ngừng lại và nói rằng bị cáo không nhớ vấn đề thứ năm định trình bày là gì. Bị cáo Ngân nghẹn ngào nói khi nhận cáo trạng, bị cáo cảm thấy oan ức nên đã kêu oan tới lãnh đạo cấp cao.

“Chúng tôi không muốn kéo ai vào thêm nhưng tại sao 227 người có hành vi giống nhau nhưng nhiều người không bị khởi tố? Khi chúng tôi nhận quyết định khởi tố đã là một việc rất khủng khiếp rồi. Sau đó OceanBank gặp khủng hoảng về nhân sự, khách hàng ồ ạt đến rút tiền, vậy mà chúng tôi gặp khách hàng vẫn phải cố gắng mỉm cười. Chúng tôi đã làm hết sức vì Ngân hàng Đại Dương nhưng không hiểu vì sao lại kết tội chúng tôi gây thiệt hại cho chính ngân hàng của mình” - cựu giám đốc Chi nhánh Đà Nẵng khóc.

“Mua vốn giá cao” và thiệt hại 1.329 tỉ đồng

Theo cáo buộc, từ đầu năm 2011, Hà Văn Thắm đã ra chủ trương về việc chi ngoài lãi suất huy động vốn cho các khách hàng trên toàn hệ thống Ngân hàng Đại Dương (OceanBank). Theo chủ trương và chỉ đạo của Hà Văn Thắm, tổng giám đốc (TGĐ) Nguyễn Minh Thu và các phó TGĐ Lê Thị Thu Thủy, Nguyễn Minh Phương đã chỉ đạo các khối, ban nghiệp vụ thuộc hội sở OceanBank và 34 giám đốc các chi nhánh, phòng giao dịch thực hiện việc chi lãi ngoài khi huy động vốn.

Hành vi của các bị cáo trong vụ án này đã phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế. Kết quả điều tra xác định trong thời gian từ năm 2010 đến ngày 31-11-2014, tổng số tiền OceanBank đã chi lãi ngoài hợp đồng cho khách hàng gửi tiền là 1.576 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong số này có trên 246 tỉ đồng được chi cho Nguyễn Xuân Sơn (khi đó là phó TGĐ Tập đoàn Dầu khí - PVN). Số tiền này đã bị bị cáo Sơn chiếm đoạt nên hậu quả thiệt hại do hành vi cố ý làm trái của các bị cáo được xác định là trên 1.329 tỉ đồng.

Trong các phiên xử vừa qua, các bị cáo đều không thừa nhận khoản tiền chi trả lãi ngoài hợp đồng nói trên là thiệt hại. Bị cáo Hà Văn Thắm cho rằng OceanBank đã chi ra mua vốn giá cao và bán giá cao hơn nên chỉ có lãi chứ không lỗ.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn nói năm 2008 OceanBank chỉ lãi 17 tỉ đồng. Với chương trình chi lãi ngoài này, năm 2009 lãi hơn 300 tỉ đồng, năm 2010 lãi hơn 600 tỉ đồng... Bị cáo Nguyễn Hoài Nam (cựu giám đốc khối nguồn vốn OceanBank) cho biết OceanBank có những năm là một trong 200 doanh nghiệp đóng thuế nhiều nhất Việt Nam...

Hôm nay, thứ Bảy (9-9), tòa vẫn tiếp tục làm việc.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước khất câu trả lời

Tại tòa, thẩm phán Trương Việt Toàn hỏi ông Trần Anh Hùng, đại diện của Ngân hàng Nhà nước (NHNN): “Lãi suất cơ bản do NHNN quy định là lãi suất nào?”. Vị đại diện không trả lời ngay câu hỏi của tòa mà cúi xuống trao đổi nhanh với đồng nghiệp ngồi cạnh. “Theo quy định của Luật NHNN… (ngừng lại - PV) tôi xin được trả lời sau” - vị đại diện nói.

HĐXX đề nghị vị đại diện NHNN nghiên cứu để trả lời ba câu hỏi: Các vấn đề lãi suất cơ bản là thế nào; lãi suất cơ bản được quy định thời kỳ đầu năm 2010 là bao nhiêu %; lãi suất cơ bản và lãi suất huy động tối đa có trùng nhau về mặt khái niệm không?

Thẩm phán: “Khổ thân bị cáo Thắm!”

Tại tòa, các luật sư cũng đặt nhiều câu hỏi đối với bị cáo Hà Văn Thắm. Thẩm phán Trương Việt Toàn đề nghị các luật sư không lặp lại các câu hỏi đã được hỏi trước đó. “Khổ thân bị cáo Thắm phải trả lời một vấn đề tới mấy chục lần” - thẩm phán Toàn nói.

Trong phiên xử buổi chiều, cựu chủ tịch OceanBank đã từ chối trả lời nhiều câu hỏi mà luật sư của bị cáo Phạm Công Danh đặt ra. “Vấn đề này bị cáo đã trả lời nhiều lần rồi. Không biết luật sư có mặt ở tòa những buổi trước không?” - bị cáo Thắm hỏi lại luật sư.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm