Lằn ranh đúng, sai

Có những câu hỏi tôi trả lời được, có những câu mãi mãi vẫn là dấu chấm hỏi lửng lơ về lằn ranh đúng sai trong cuộc đời này…

1. Tôi biết người phụ nữ đó khi chị đến hỏi tôi về di sản thừa kế của người chồng đã mất và tôi được biết chị là mẹ của sáu đứa con nheo nhóc, đứa lớn nhất chỉ mới 15 tuổi. Chị hỏi rất kỹ về quyền giám hộ và phạm vi quyền hạn của mình đối với tài sản là khối di sản chồng để lại và nhờ văn phòng làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế. Đây là một dịch vụ bình thường của văn phòng chúng tôi. Nhưng vụ này khiến tôi lưu ý là chị khá đỏm dáng, sành điệu trong khi khai rằng đang đi giúp việc nhà.

Tôi gặp em, con bé người Hoa 15 tuổi nói tiếng Việt chưa rành, đến trình bày hoàn cảnh đáng thương của gia đình em. Cha mất, em lớn nhất nhà, em bé út mới năm tuổi và các em đều đi bán vé số sau khi cha mất.

Em chính là con đầu của người phụ nữ nói trên.

Em nghẹn ngào kể rằng mẹ em thích bài bạc, trước kia cha còn sống thì mẹ còn dư dả để chơi bài. Giờ cha mất rồi, mẹ em sau khi bán hết mọi tài sản trong nhà thì đang định bán luôn căn nhà mà các em đang ở để “làm vốn” sang Campuchia đánh bài. Biết mẹ làm thủ tục nhà cửa ở văn phòng tôi nên em đến hỏi, hỏi trong tuyệt vọng xen lẫn hy vọng, rằng liệu có cách nào khiến mẹ em không thể bán căn nhà đó được không.

2. Tôi lúc đó mới tập tễnh vào nghề, nhiệt huyết còn tràn đầy và tinh thần Lục Vân Tiên hãy còn sôi nổi lắm. Tôi dắt em đến phường làm đơn xin ngưng giao dịch mua bán, lên phòng công chứng để trình bày và xin ngăn chặn việc mua bán này (vào thời điểm đó, thủ tục mua bán cần phải được chính quyền địa phương xác nhận rồi mới nộp cho phòng công chứng).

Tôi và em được mời vào gặp công chứng viên lớn tuổi để trình bày. Tôi nhớ rất rõ cảm giác xấu hổ và áy náy lúc đó khi công chứng viên ấy lớn tiếng trách tôi. Câu nói làm tôi chùn bước nhất của công chứng viên là: “Đạo đức hành nghề ở đâu mà lại xúi con cái thưa gửi cha mẹ như thế này? Người như cháu cần xem lại đạo đức của mình! Cháu đã sai , quá sai!”.

Chính câu nói của bác đã khiến tôi “buông súng” và ám ảnh rằng mình đã làm một việc sai, rất sai, rất vô đạo đức khi hành nghề. Điều này đã khiến tôi từ bỏ việc giúp em giữ lại ngôi nhà, tài sản duy nhất mà cha em để lại cho các con. Nó khiến tôi mỗi khi tiếp nhận một vụ việc nào đó tương tự luôn cảm thấy con cái không nên thưa kiện cha mẹ của mình, dù với lý do gì.

Căn nhà của cha em, mẹ em đã bán. “Bài bạc là bác thằng bần”, dĩ nhiên mẹ em thua sạch và thiếu nợ trầm trọng. Em và các em nhỏ của mình lưu lạc mưu sinh, học hành dang dở.

3. Lần gần nhất tôi gặp em là trước khi em đi xuất khẩu lao động để làm công việc chân tay nặng nhọc. em phải đi để mưu sinh, để có tiền gửi về cho mẹ, cho niềm vui bài bạc của mẹ và nuôi sống các em của mình. em đi với niềm ước ao cháy bỏng là sẽ có ngày đủ tiền để mua được một căn nhà nhỏ, để mấy chị em cùng sống với nhau...

Thỉnh thoảng tôi nhận được tin em trên mạng Internet: “Chị ơi, em mệt lắm!”…

Và tôi vẫn day dứt với câu hỏi không có lời giải của mình, rằng năm ấy nếu tôi không vì câu nói của công chứng viên lớn tuổi thì mẹ em đã không bán được căn nhà chung. Như thế, biết đâu giờ này em và các em nhỏ của mình đã không cơ cực mưu sinh đến thế nơi xứ người. Biết đâu giờ này tương lai của các em đã sáng sủa hơn…

Lẽ nào tôi đã sai?

Tôi ước gì mình có cơ hội ngồi bên tách trà cùng bác công chứng viên ngày nào (giờ đã về hưu) để đàm luận lại chuyện đã qua, rằng chúng ta đúng hay sai trong sự việc này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm