Luật sư đứng để phản ứng tòa, được không?

Trang mạng của một tạp chí đưa tin: Trong phiên xử vụ Nguyễn Thị Bích Khiêm bị truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản vào ngày 28-3 tại TAND tỉnh Đồng Tháp, có một tình huống tố tụng khá hy hữu. Khi tòa đang thẩm vấn thì luật sư (LS) Trịnh Vĩnh Phúc (Đoàn LS TP.HCM) bào chữa cho bị cáo bỗng nói lớn: “Tôi phản đối chủ tọa hỏi mớm cung bị cáo!”, rồi cùng một LS đồng nghiệp đứng phắt lên, không chịu ngồi. Hai LS giữ nguyên tư thế đứng thẳng người khiến không khí phòng xử khá căng thẳng, riêng LS Phúc chắp tay sau lưng chờ đợi động thái từ HĐXX.

Khó đánh giá thế nào là thiếu tôn trọng

LS Phúc cho rằng thái độ, khẩu khí, ngữ điệu và cách xét hỏi của chủ tọa không khách quan khiến ông và đồng nghiệp ức chế nên phản đối. Sau đó chủ tọa đã mời hai LS ngồi, mời tham gia thẩm vấn và từ đó về sau điều khiển phiên tòa nhẹ nhàng hơn…

Từ tình huống khá lạ này, vấn đề pháp lý cần bàn là luật quy định ra sao về thái độ, cử chỉ của LS trong phiên tòa hình sự và HĐXX có quyền hạn gì.

Theo một thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội, BLTTHS quy định LS là người tham gia tố tụng chứ không phải người tiến hành tố tụng. Điều 190 bộ luật này quy định người bào chữa có nghĩa vụ tham gia phiên tòa, nếu vắng mặt không đúng thì tòa án vẫn xét xử. BLTTHS cũng quy định mọi người ở trong phòng xử án đều phải có thái độ tôn trọng HĐXX, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa. Nếu ai có hành vi gây rối hoặc xem thường thì HĐXX có thể nhắc nhở hoặc thực hiện các biện pháp cần thiết ngăn chặn, chấm dứt hành vi ấy.

Tuy nhiên, luật không quy định liệt kê cụ thể những hành vi nào là thiếu tôn trọng HĐXX mà tùy vào đánh giá của chủ tọa phiên tòa. Việc xác định những động tác mang tính biểu cảm của LS như trừng mắt, đứng dậy, vung tay, chỉ trỏ…, đến mức độ nào được xem là không tôn trọng HĐXX, luật chưa đưa ra quy chuẩn định lượng cụ thể. Nhưng tinh thần chung là mọi người trong phòng xử án phải giữ cho không khí phiên tòa trang nghiêm; ngôn ngữ, cử chỉ, lời nói phải đảm bảo văn hóa pháp đình.

Theo LS Phạm Công Hùng (nguyên thẩm phán TAND Tối cao), tại phiên tòa nói chung tâm lý mọi người tham gia thường khá căng thẳng. Vì vậy người tiến hành hoặc người tham gia tố tụng phải chủ động kiểm soát tâm lý của mình là việc cần thiết. “Vì không có mặt ở đó nên tôi không thể hình dung được cách hỏi của chủ tọa như thế nào. Nhưng việc chủ tọa đang hỏi mà LS lớn tiếng và đứng phắt lên như thế thì không phù hợp. Tuy nhiên, sau đó chủ tọa đã mời hai LS ngồi xuống và LS đồng ý tức là hai bên đã đạt được sự kiềm chế cần thiết để phiên tòa được tiếp tục. Tôi đánh giá vị chủ tọa trên đã bình tĩnh và xử lý tình huống khéo léo…” - LS Hùng nói.

Chủ tọa có quyền yêu cầu luật sư ngồi

Theo ông Nguyễn Kim Tiếng (nguyên Viện trưởng VKSND quận 5, TP.HCM), trong phiên tòa hình sự chủ tọa phiên tòa vừa là người tiến hành tố tụng vừa là người điều khiển toàn bộ hoạt động tố tụng tại tòa. Theo đó, những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng khác, trong đó có LS và kiểm sát viên cũng phải tuân theo. Trong việc xét hỏi, theo khoản 2 Điều 207 BLTTHS thì chủ tọa cũng là người được ưu tiên trước. LS có thể đánh giá rằng chủ tọa xét hỏi không khách quan nhưng cũng không nên đứng dậy lớn tiếng phản đối theo kiểu bột phát, gây căng thẳng cho phiên tòa. Do đó khi chủ tọa nói LS bình tĩnh và mời ngồi xuống nhưng LS vẫn không ngồi thì chủ tọa có quyền yêu cầu ngồi. Trường hợp yêu cầu mà LS vẫn không chấp nhận thì chủ tọa có thể áp dụng một trong những biện pháp mà luật trao cho để xử lý tình huống.

“LS đứng dậy phản ứng cách điều khiển phiên tòa của chủ tọa phiên tòa có lý ở chỗ pháp luật cấm việc mớm cung, ép cung, dụ cung ở bất cứ giai đoạn tố tụng nào. LS cho rằng đó là vi phạm tố tụng nên đứng dậy để phản đối. Ít nhất trong tình huống trên cách phản ứng này của LS Phúc có tác dụng khi chủ tọa phiên tòa đã có sự điều chỉnh để tiếp tục điều hành phiên xử” - LS Hoàng Văn Thất Sơn, Đoàn LS TP.HCM, phân tích.

Tuy nhiên, theo LS Sơn, quyền điều khiển phiên tòa là của chủ tọa phiên tòa. Nếu LS cứ đứng suốt phiên xử, không chịu ngồi thì sẽ làm cản trở việc xét xử một cách bình thường của HĐXX. Đành rằng LS có quyền phản đối khi quyền lợi của thân chủ mình bị xâm phạm nhưng bằng cách đứng suốt thì không hay. Bởi thực tế LS có nhiều cách phản đối phù hợp mà pháp luật cho phép. Chẳng hạn, LS có thể sử dụng quyền của người bào chữa đề nghị thư ký phiên tòa ghi chép một cách đầy đủ những câu hỏi mà LS cho rằng chủ tọa ép cung, mớm cung. Sau đó LS còn có quyền được xem biên bản phiên tòa, nếu thấy biên bản không ghi nhận đầy đủ những câu hỏi đó thì LS vẫn có quyền đề nghị ghi vào.

Không phải cách hay

Tôi cho rằng LS có quyền làm văn bản kiến nghị đến tòa án hoặc VKS nếu thấy rằng thẩm phán và kiểm sát viên tại tòa có hành vi vi phạm tố tụng, kèm theo những chứng cứ do LS thu thập. Việc đứng dậy và lớn tiếng phản đối tại tòa là phản ứng tức thời nhưng không phải là cách hay và hiệu quả. Nếu thực sự chủ tọa vi phạm tố tụng trong quá trình xét hỏi thì LS có thể tìm cách xác lập chứng cứ, khi kết thúc phiên tòa sẽ làm bản kiến nghị đến chánh án hoặc làm chứng cứ để trình ra tại phiên tòa phúc thẩm, yêu cầu hủy án.

NGUYỄN KIM TIẾNG,
nguyên Viện trưởng VKSND quận 5, TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm