Luật sư lên tiếng việc cấm nói bậy trên mạng

Như đã thông tin, Bộ Tư pháp đang soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 123/2013 của Chính phủ (thi hành Luật Luật sư (LS)). Đáng chú ý là nội dung LS không được ứng xử và phát ngôn trên phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội gây ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín nghề LS, phương hại đến người khác. Pháp Luật TP.HCM nhận được nhiều ý kiến khác nhau của các LS về vấn đề này.

Tiêu chí nào coi là nói bậy?

Tôi thấy vấn đề chưa rõ là tiêu chí đánh giá các phát ngôn trên mạng xã hội của LS thế nào được coi là xúc phạm đến hình ảnh, uy tín của nghề và cá nhân, tổ chức khác. Bởi vì LS có quyền có ý kiến và nghĩa vụ tuyên truyền pháp luật thông qua các vụ án, sự việc cụ thể. Vậy nếu cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng làm sai mà LS đưa lên mạng xã hội với những lời lẽ hơi chì chiết thì có bị coi là xúc phạm đến họ hay không? Nếu LS nói đúng luật mà bị coi là nói bậy thì chẳng khác nào cản trở quyền được nói và tuyên truyền pháp luật của LS.

Phải phân biệt việc LS phát ngôn nói xấu đó là đúng hay sai. Tất nhiên LS nói ngông cuồng và trái pháp luật thì bị xử lý là đúng.

LS NGUYỄN TOÀN THIỆN, Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bình Thuận

Không nên cá biệt hóa

Về nguyên tắc, tôi ủng hộ việc xử lý những ứng xử và phát ngôn mang tính vi phạm chuẩn mực văn hóa, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của LS. Vì LS phải thân ái, tôn trọng, chia sẻ, giúp đỡ nhau chứ không nói xấu, công kích nhau và xúc phạm người khác.

Nhưng những chuẩn mực này đã được xây dựng và chuẩn hóa trong bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp, việc đưa vào nghị định liệu có cần thiết. Hơn nữa, nghị định không nên cá biệt hóa một số trong số rất nhiều hành vi vi phạm của nghề LS mà nên hài hòa giữa các dạng lỗi khác nhau.

LS NGUYỄN THẾ PHONG, Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Long An

Các luật sư đang thực hiện nhiệm vụ tại tòa. Ảnh minh họa: HTD

“Siết” lại là hợp lý

Dự thảo nghị định hợp lý khi quy định LS phải ứng xử và phát ngôn trên phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội theo đúng nguyên tắc hành nghề LS, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của LS. Thực tế có việc LS sử dụng trang cá nhân hoặc các diễn đàn trên mạng bày tỏ quan điểm, thái độ, quảng bá tên tuổi của mình quá đà nhưng không thể kiểm soát được. 

Tôi nghĩ quy định này như là một cái khung để định hình rằng LS có quyền nói nhưng không được thái quá, làm ảnh hưởng đến nghề nghiệp và cá nhân, tổ chức khác. Ở góc độ nào đó nó cũng giúp bảo vệ tính chất cao quý của nghề LS mà xã hội tôn vinh.

LS LƯU VĂN TÁM, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Khó chứng minh vi phạm

Tôi cho rằng quy định về phát ngôn của LS trên mạng về ý nghĩa thì ổn nhưng nội dung khó đi vào thực tiễn. Vì với ngôn ngữ và lập luận của LS, không dễ chứng minh họ ảnh hưởng đến một ai đó khi thiếu các tiêu chí đánh giá chi tiết. Chưa kể LS bị cho là vi phạm từ chối Facebook của mình hoặc cho rằng bị hack (đột nhập).

Về nghề, mỗi LS phải tự ý thức được sự quan trọng và đánh giá nghề nghiệp để có ứng xử phù hợp. Nếu LS nào vượt quá, tôi nghĩ không cần đến một biện pháp can thiệp hành chính, LS đó cũng không có chỗ đứng trong xã hội.

LS NGUYỄN KIỀU HƯNG, Đoàn LS TP.HCM

Bỏ qua vai trò của liên đoàn

Về biện pháp chế tài nếu vi phạm, dự thảo nghị định cho Bộ Tư pháp quyền thu hồi chứng chỉ hành nghề LS là không ổn. Một LS nếu có vi phạm những quy chế về phát ngôn trên mạng xã hội hoặc phương tiện truyền thông đại chúng thì phải được kỷ luật hành chính, sau đó mới xem xét mức độ để xem có rút chứng chỉ hay không.

Dự thảo “mở đường” cho việc bỏ qua quy trình xử lý luật định để thu hồi chứng chỉ LS một cách rút gọn, bỏ qua vai trò của Liên đoàn LS và đoàn LS. Điều này mở rộng phạm vi, thẩm quyền cho Bộ Tư pháp trong khi Luật LS quy định quá trình xử lý vi phạm và thu hồi chứng chỉ hành nghề rất chặt chẽ. Nghị định không nên quy định cao hơn luật, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc điều chỉnh.

LS NGUYỄN HỒNG HÀ,  Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Khánh Hòa

Không ủng hộ

Dự thảo nghị định quy định theo kiểu “điều khoản quét” dễ dẫn đến tùy tiện trong áp dụng thực tiễn. Bởi ứng xử và phát ngôn của LS trên mạng nếu có vi phạm phải dựa trên yếu tố lỗi chứ không phải dựa vào nhận định chủ quan để đánh giá. Ngoài ra, khó xác định tính chính danh của một tài khoản trên mạng xã hội. Nếu chỉ đọc thấy nội dung trên mạng xã hội rồi đánh giá rằng LS đó vi phạm để xử lý thì khó.

Tôi nghĩ quy định về việc xây dựng hình ảnh, uy tín của LS thì chỉ cần có trong quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp, không nên quy định trong nghị định.

LS NGUYỄN THẾ TRUYỀN,  Đoàn LS TP Hà Nội

Bị kiến nghị kỷ luật vì nói xấu tòa trên Facebook

Tháng 4-2014, chánh án TAND tỉnh Đắk Lắk có công văn gửi chánh án TAND Tối cao, Liên đoàn LS Việt Nam và Đoàn LS TP.HCM, kiến nghị xem xét kỷ luật đối với LS H. với lý do xúc phạm tòa trên Facebook.

LS H. thuộc Đoàn LS TP.HCM là người bào chữa cho một bị cáo trong vụ án lừa đảo do TAND tỉnh này xử. Theo đó, sau phiên tòa, LS H. đã bình luận trên Facebook về các bài báo phản ánh kết quả xét xử với những lời lẽ thiếu tôn trọng cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Từ đó lôi kéo bạn bè tham gia bình luận, chỉ trích mang tính quy chụp, xúc phạm.

Theo TAND tỉnh, lời lẽ của LS H. vi phạm quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS và vi phạm Điều 9 Luật LS (những hành vi bị nghiêm cấm). Bào chữa tại tòa, LS H. không mặc trang phục LS theo quy định…

Ngày 3-7, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam, cho biết Liên đoàn LS sẽ tổ chức lấy ý kiến trong Ban Thường vụ Liên đoàn, sau đó sẽ có thông tin chính thức cho báo chí. Trước mắt, Ban Đào tạo Liên đoàn sẽ xem xét, bàn thảo và góp ý vào dự thảo để làm cơ sở cho Ban Thường vụ Liên đoàn họp, đóng góp ý kiến.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm