Luật sư tố giác thân chủ: Nên hay không?

Sáng 27-5, hội nghị về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều BLHS 2015 được tổ chức nhằm lắng nghe ý kiến của các đại biểu (ĐB) về dự luật quan trọng này. Chủ tịch Quốc hội (QH) đã tranh luận với ba ĐB là luật sư (LS) tại hội nghị về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều BLHS 2015.

Nghề luật sư sẽ bị thui chột?

Tuy hội nghị bàn về dự luật sửa đổi, bổ sung BLHS 2015 nhưng điểm nóng nhất của hội nghị vẫn là Điều 19 của dự luật trong đó quy định LS cũng phải tố giác tội phạm nếu đó là những tội đặc biệt nghiêm trọng, tội xâm phạm an ninh quốc gia.

Người đầu tiên đề cập đến vấn đề này vẫn là Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh, ĐB tỉnh Khánh Hòa.

“Điều tra tội phạm là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan điều tra. LS với trách nhiệm người bào chữa và trách nhiệm công dân phải ứng xử thế nào? Nếu LS tố giác tội phạm thì chính thân chủ đó có mời LS nữa không? Xã hội có tẩy chay nghề LS không? Chưa bảo vệ được gì đã đi tố giác rồi thì không biết nghề LS có điều kiện tồn tại hay không. Tôi khẳng định niềm tin của khách hàng và xã hội vào nghề LS sẽ mất dần và sẽ bị thui chột”.

Ông Thịnh mở đầu phần phát biểu của mình bằng hàng loạt câu hỏi.

Theo ông Thịnh, nếu LS biết thông tin thân chủ chuẩn bị thực hiện tội phạm hoặc liên kết với nhiều người, biết tội phạm này chuẩn bị đặt bom ở nơi nào đó, LS với trách nhiệm công dân bắt buộc phải báo cho cơ quan có thẩm quyền để ngăn chặn hành vi nguy hiểm đó.

“Tưởng chừng đưa Điều 19 (về việc luật sư phải tố giác thân chủ đối với một số tội) để nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân nhưng trong thực tiễn không bao giờ thực hiện được” - đại biểu Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Ảnh minh họa: HTD

“Đã báo cơ quan nhà nước rồi thì phải trao đổi lại với thân chủ rằng tôi phải làm việc đó. Rất rành mạch và sòng phẳng” - ông Thịnh nói và khẳng định đối với tội phạm nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia thì phải báo ngay chứ không thể không báo.

Sau khi dẫn nhiều ví dụ phân tích cho những luận điểm của mình, kể cả kinh nghiệm quốc tế, ông Thịnh đề xuất nên “khoanh” lại khoảng 20-30 tội buộc LS phải tố giác tội phạm.

“Như thế là nhiều rồi. Nếu không thì chỉ khoảng 15-20 tội” - ông Thịnh nói.

Ngay sau khi ông Thịnh dứt lời, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân tranh luận: “Tôi xin hỏi Liên đoàn LS, trước khi sửa bộ luật này có điều gì làm thui chột nghề LS chưa? Vì từ trước tới nay chúng ta vẫn thế, không phải bây giờ mới quy định như vậy”.

Ông Thịnh nói ngay rằng: “Dạ, có! Có đấy ạ”.

Chủ tịch QH nói tiếp: “BLHS có tới 500 điều mà liên đoàn lại đi bảo vệ chỉ một điều cho mình từ hội trường tới đây. Ngoài đạo đức nghề nghiệp, chúng ta còn đạo đức, trách nhiệm của một công dân. Chúng ta phải xem lại chỗ này”.

Tuy vậy, Chủ tịch QH cũng nói: “Ở đây tôi hiểu nên giới hạn trong tội nào, chứ đúng là LS cứ đi tố giác thân chủ thì không được. Nhưng cũng phải giới hạn tội nào thì anh không thể làm ngơ được”.

“Cái chính là bảo vệ công lý”

ĐB Nguyễn Thái Học (tỉnh Phú Yên) cho biết trước khi làm ĐBQH, ông đã có tám năm làm LS và rất hiểu, chia sẻ, thông cảm với các LS.

Ông Học nói: “Quan điểm của tôi rất ủng hộ khoản 3 Điều 19, quy định như thế là luật đã ghi nhận vai trò, trách nhiệm của LS, cũng ghi nhận mối quan hệ đặc biệt giữa LS với thân chủ”. Đồng thời ông Học cũng nhận định rằng khoản 3 Điều 19 của dự luật không buộc LS phải tố giác tất cả tội phạm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga tiếp lời: “Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của QH đã nói phạm vi các tội phạm LS phải tố giác đã thu hẹp đáng kể. So với Điều 22 của BLHS 1999, BLHS 2015 về trách nhiệm của LS trong việc không tố giác tội phạm đã giảm đi 70 khung hình phạt, trước đây là 179, giờ chỉ còn 109”.

ĐB Trương Trọng Nghĩa đi từ lịch sử của đặc quyền LS từ thời La Mã đến truyền thống thông luật Anh Quốc để nói rằng: “Đây là những vấn đề nguyên lý, không phải chỉ là khoa học mà là lịch sử pháp lý và thành tựu pháp lý của nhân loại”.

“Xin thưa, khi anh Thịnh hay chúng tôi nói về khó khăn khi áp dụng Điều 19 thì không phải chủ yếu là quan hệ giữa LS và người mình bào chữa mà đây là một trong những vấn đề rất quan trọng của hệ thống tư pháp” - ông Nghĩa nói.

Theo ông, vấn đề đặc quyền của LS chính là tạo ra sự cân bằng, điều kiện bảo đảm công lý, bảo đảm quyền con người. “Đây không phải chuyện gây khó khăn cho nghề LS rồi chúng tôi năn nỉ, xin mấy anh thông cảm. Cái đó là cái phụ, có thể xảy ra, có thể không xảy ra nhưng đảm bảo quyền con người, bảo vệ công lý mới là quan trọng” - ông Nghĩa nhận định.

Hơn nữa, ông Nghĩa cũng cho rằng: Theo Điều 19, nếu như LS có người thân vi phạm đâu có được miễn trừ trách nhiệm hình sự. “Ở đây chỉ quan hệ với thân chủ được bào chữa thôi. Hành vi đang và sẽ diễn ra không được miễn trừ phải tố giác” - ông Nghĩa nói và cho rằng từ “tố giác” là rất rộng và nguy hiểm cho LS.

Giải thích rõ hơn, ông Nghĩa cho rằng sự phân công giữa công tố, LS là sự phân công theo nguyên lý của hệ thống tư pháp. “LS bào chữa cho Năm Cam hoặc những người rất phản động, đặt bom giết chết bao nhiêu người thì đừng suy nghĩ LS đó không có lương tâm, không yêu nước. Không phải, cái đó rất là sai!” - ông Nghĩa nói.

Đồng thời ông khẳng định lại lần nữa rằng sẽ là rất sai lầm nếu như có tư tưởng đang đấu tranh để thiết kế BLHS này theo tư tưởng “bất trung” hoặc bào chữa cho tội phạm này, tội phạm kia là thiếu trách nhiệm.

“Hiểu như vậy là sai và không đúng tầm của chúng ta ngồi đây thiết kế luật này” - ông Nghĩa nói.

Không thực tiễn, kém khả thi

ĐB Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam, nhận định Điều 19 của dự luật sẽ xung đột với Điều 73 của BLTTHS khi quy định người bào chữa không được tiết lộ bí mật về vụ án và thân chủ. Nếu Điều 19 được thông qua thì phải sửa Điều 73 BLTTHS để đảm bảo nguyên tắc “luật nội dung và luật hình thức không xung đột nhau”.

Mặt khác, ĐB Chiến nhìn nhận thực tế rằng quy định này sẽ không khả thi. Kể từ BLHS 1999 hoặc xa hơn nữa chưa có trường hợp nào LS lại đi tố giác thân chủ của mình.

Vả lại, theo thống kê, 80% tội phạm bị bắt tạm giam, kể cả loại tội ít nghiêm trọng. “Thử hỏi xem có đối tượng nào được tại ngoại để tiếp tục thực hiện tội phạm hoặc nói với LS hành vi của mình?” - ĐB Chiến đặt câu hỏi. Thêm nữa, khi vào trại giam tiếp xúc bị can, bị cáo, LS chỉ nghe bị can, bị cáo kể trong khi BLTTHS quy định lời khai không thể là chứng cứ nếu không phù hợp với các chứng cứ, tài liệu khách quan khác.

“Tưởng chừng đưa Điều 19 vào để nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân nhưng trong thực tiễn không bao giờ thực hiện được”- ĐB Chiến nói.

Điều 19. Không tố giác tội phạm

1. Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm trong các trường hợp quy định tại Điều 390 của bộ luật này.

2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của bộ luật này.

3. Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 điều này trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của bộ luật này.

ĐB TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA, TP.HCM:

Tiết lộ thông tin chứ không phải tố giác

Luật sư tố giác thân chủ: Nên hay không? ảnh 2

Xuất phát từ công ước về quyền con người mà chúng ta ký thì LHQ ban hành cái nghị quyết về quan hệ giữa LS và người được bào chữa. Trong nghị quyết này có ghi là các nhà nước phải có trách nhiệm tạo điều kiện để bảo vệ quyền bí mật giữa LS và thân chủ.

Từ quy định của LHQ mới dẫn đến chỗ là chúng ta phải thiết kế quyền miễn trừ cho LS. Ở một số nước áp dụng cả quyền miễn trừ với chuyên gia tư vấn tâm lý, kể cả bác sĩ... Ở nhiều nước người ta chỉ yêu cầu LS tiết lộ thông tin chứ không dùng từ tố giác là đối với những hành vi đang diễn ra, chuẩn bị diễn ra, sẽ diễn ra.

LS ĐỖ NGỌC THỊNH, Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam:

Biết chuẩn bị phạm tội mới báo

Luật sư tố giác thân chủ: Nên hay không? ảnh 3

Khi chúng tôi trao đổi với các chuyên gia của Nhật, Đức, Mỹ…, họ nói ở nước họ trong trường hợp biết thân chủ của mình chuẩn bị thực hiện tội phạm hoặc lên kế hoạch thực hiện tội phạm thì báo cho cơ quan nhà nước. Nhưng họ chỉ khoanh lại trong những tội đặc biệt nghiêm trọng như khủng bố, lật đổ chính quyền. Còn những tội phạm đã thực hiện rồi thì miễn trừ trách nhiệm cho LS. Trách nhiệm điều tra tội phạm thuộc về cơ quan tố tụng và cơ quan điều tra.

Một ông đi tố giác ông hàng xóm. Biết cái gì mà đi tố giác? Người dân tố giác đã nguy hiểm, còn một ông LS đi tố giác chính người mình bào chữa, sau tòa xử không phạm tội và kết luận ông tố giác bậy thì làm sao?

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.