Đừng lấy sai để sửa sai khi cấm xuất cảnh Việt kiều

Nhưng tám tháng sau khi giấy tờ pháp lý thể hiệnông Long không còn là đại diện pháp luật của bị đơn nữa thì phải hủy bỏ lệnh cấm do tư cách bị đơn đã không còn.

Vị chánh án TAND huyện nói rằng vì ông Long là nhân chứng duy nhất nên có nghĩa vụ phối hợp với tòa để làm sáng tỏ vụ án. Thế rồi luật sư của bị đơn nhiều lần làm việc với tòa đều cho biết chứng cứ hiện đang do ông Long nắm giữ nên nói sẽ về làm việc lại với ông Long...

Ông Hồ Ngọc Long vẫn đang bị tòa cấm xuất cảnh. Ảnh: PLO

Có lẽ do cố tình không rút quyết định cấm xuất cảnh khi ông Long không còn là bị đơn nữa, thay vì thừa nhận sai thì tòa lại viện vào các lý lẽ trên. Việc giải thích này chẳng khác nào “đổ dầu vào lửa” bởi về bản chất căn cứ khi ban hành quyết định cấm xuất cảnh và việc giải thích của tòa là mâu thuẫn với nhau. Giả sử ông Long có là nhân chứng quan trọng như tòa đã xác định thì tòa án đã tích cực triệu tập ông để làm việc hay chưa, điều này chưa được tòa trả lời thuyết phục.

Chưa kể quyền của người làm chứng như ông Long theo khoản 3 Điều 78 BLTTDS là được từ chối khai báo nếu lời khai liên quan đến bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình hoặc việc khai báo đó có ảnh hưởng xấu, bất lợi cho đương sự là người có quan hệ thân thích với mình.

Như vậy thì ngay kể cả ông Long có làm việc với tòa thì cũng có quyền từ chối khai báo trong phạm vi luật định. Tức là quyết định cấm xuất cảnh của tòa tỏ ra không có tác dụng như các lý do mà tòa đã đưa ra. Biện pháp cấm xuất cảnh lúc này trở thành cảm tính và việc giải thích không thuyết phục khiến người khác có quyền suy nghĩ rằng tòa đang lấy cái sai này để sửa cái sai khác.

Tòa án là cơ quan nắm cán cân công lý, khi quyền lợi bị xâm hại thì người dân, tổ chức có quyền yêu cầu tòa án bảo vệ. Tuy nhiên, tòa án phải bảo vệ quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân trên cơ sở quy định với nguyên tắc bình đẳng chứ không thể áp dụng pháp luật kiểu râu ông nọ cắm cằm bà kia.

Một nguyên tắc bất di bất dịch là cơ quan nhà nước, cán bộ nhà nước chỉ được làm những gì luật cho phép. BLTTDS không hề quy định người làm chứng bị áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh. Quyền và nghĩa vụ của nhân chứng cũng được quy định rất rõ trong BLTTDS. Việc giải thích pháp luật nếu có cũng do cơ quan có thẩm quyền làm chứ thẩm phán không thể đưa ra khái niệm “nhân chứng là người có nghĩa vụ” để bảo vệ cho hành vi của mình.

Mẹ ông Long ở Mỹ đang bị bệnh phải nhập viện, ông muốn về thămvà chăm sóc. Ông Long cũng có cô con 15 tuổi bị chậm phát triển trí tuệ, cần phải lấy thuốc theo định kỳ, là người cha lẽ nào bỏ mặc. Đó là những lý do chính đáng ông muốn đi Mỹ nhưng ra tới sân bay thì bị chặn lại bởi quyết định cấm xuất cảnh trái luật của tòa án.

Về mặt tình cảm, nếu người ban hành quyết định cấm xuất cảnh đặt mình vào trong hoàn cảnh của ông Long sẽ thấy như thế nào? Hy vọng chánh án cũng là thẩm phán trực tiếp giải quyết vụ án nhận ra rằng biện pháp ngăn chặn của mình đã không còn phù hợp thì nên thu hồi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm