'Lùi xe trên cao tốc, giữ khoảng cách an toàn là không thể'

Ngày 2-11, phiên phúc thẩm của TAND tỉnh Thái Nguyên xét xử hai bị cáo Ngô Văn Sơn (40 tuổi) và Lê Ngọc Hoàng (33 tuổi) cùng về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ tiếp tục với phần tranh luận.

Sau phần tự bào chữa của hai bị cáo, HĐXX mời các luật sư (LS) cùng đại diện VKSND tỉnh Thái Nguyên trình bày quan điểm.

Bị cáo Lê Ngọc Hoàng (phải) cùng Ngô Văn Sơn tại tòa ngày 2-11. Ảnh: TUYẾN PHAN

LS khẳng định thân chủ đã làm hết khả năng

LS Phạm Quang Hưng, người bào chữa cho bị cáo Sơn, cho rằng bản luận tội của đại diện VKS đã không lãm rõ hết các khúc mắc mà bản thân các bị cáo cùng gia đình bị hại có ý kiến; một số tình tiết mới (như việc có thêm một người tử vong) cũng không được ghi nhận.

Vị này đặt vấn đề Sơn lùi xe trên đường cao tốc nhưng phải xác định lùi như thế nào, nhanh hay chậm,... Ngoài ra, có nhiều điểm phải làm rõ đối với hành vi của tài xế Lê Ngọc Hoàng, điển hình là dấu hiệu vi phạm về xếp, chằng buộc hàng hóa khiến hệ thống phanh của rơmoóc bị mất tác dụng.

Phản đối điều này, LS Giang Hồng Thanh, người bào chữa cho bị cáo Hoàng, cho rằng LS Hưng thay vì bào chữa cho thân chủ của mình lại dành phần lớn thời gian chứng minh Hoàng có lỗi, điều này làm xấu đi tình trạng của bị cáo khác.

Theo LS Thanh, cần xem xét vị trí hai xe va chạm trên đường và vị trí va chạm trên mỗi xe để thấy được Hoàng có tội hay không. Hồ sơ vụ án cho thấy chiếc Innova bị đẩy về phía bên phải, đầu xe bị xước, vết phanh chéo, chứng tỏ xe Innova đã lùi chéo. Nếu xe Innova lùi song song đúng làn đường như lời khai của Sơn thì chỉ có thân xe mới bị xước, bởi khi đó xe Innova sẽ bị xe container đâm trực diện, đẩy thẳng đi.

Vị LS cũng phản đối quan điểm của đại diện VKS cho rằng vị trí va chạm là tại điểm đầu tiên của vết trượt trên mặt đường, vì nếu như vậy Hoàng đã không phanh. Thực tế, vết phanh kéo dài tới 48 m và vị trí va chạm ở điểm cuối cùng, Hoàng đã phanh hết khả năng, không còn sự lựa chọn nào khác.

Bên cạnh đó, LS Thanh còn khẳng định thân chủ của mình đã đi đúng tốc độ cho phép trên tuyến cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên. Cụ thể, tuyến đường này cho phép tốc độ tối thiểu là 60 km/giờ thì Hoàng đã lưu thông với tốc độ 62 km/giờ, không thể yêu cầu giảm tốc độ hơn nữa khi nhìn thấy biển cảnh báo…

LS Giang Hồng Thanh cho rằng bị cáo Hoàng đã làm hết khả năng có thể để tránh xảy ra va chạm. Ảnh: TUYẾN PHAN

Xe đang lùi không thể coi là chướng ngại vật

Trong phần luận tội, đại diện VKS cáo buộc tài xế đã không xử lý an toàn khi tránh chướng ngại vật. Tuy nhiên, LS Thanh khẳng định chướng ngại vật phải là vật cản bước tiến, xe của Sơn chỉ được coi là chướng ngại vật nếu cản bước tiến xe của Hoàng. Thế nhưng hai xe ở hai làn đường thì không thể coi là chướng ngại vật được, trừ khi xe Innova lùi vào làn của xe container.

“Tôi tin rằng nếu đặt mình vào tình huống đó thì không còn một hành động nào khác ngoài việc giẫm phanh khi xe khác đột ngột lùi vào làn xe của mình” - LS Thanh nói.

Về cáo buộc không giữ khoảng cách an toàn với xe liền trước, vị LS nêu quan điểm xe Innova của Sơn đang lùi nên không thể coi là xe liền trước.

Do vậy, LS đề nghị HĐXX hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ vị trí dừng xe của Sơn, vị trí nơi hai xe va chạm với nhau, yêu cầu cơ quan tố tụng thực nghiệm điều tra, đồng thời thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với Hoàng từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú.

Đồng tình, LS Nguyễn Thiện Hiệp, người cùng bào chữa cho bị cáo Hoàng, khẳng định trên đường cao tốc tuyệt đối không được phép lùi xe. Ở đây, giữa một xe lùi và một xe tiến thì không thể nói đến khoảng cách an toàn.

“Đại diện VKS nói về chướng ngại vật nhưng phải hiểu rằng chướng ngại vật là vật thể bất động. Trong vụ án này, xe của bị cáo Sơn đang lùi thì có được coi là chướng ngại vật hay không? Hơn thế, với tốc độ 62 km/giờ của một xe đầu kéo gắn theo rơmoóc có trọng tải trên 40 tấn thì làm thế nào để xử lý an toàn được, trong khi xe của Sơn không phải dừng do lý do khách quan (hỏng hóc) mà lại đang lùi…” - LS này nói.

Người phụ nữ cùng lúc mất ba người thân

Về phía đại diện các bị hại, hầu hết đều giữ nguyên kháng cáo đề nghị tăng hình phạt và mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo Hoàng, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Sơn.

Trong số này có bà Nguyễn Thị Viên (42 tuổi, trú tại Bắc Ninh), là bị hại đồng thời cũng đại diện cho chồng và con trai tử vong, con gái bị thương. Ngoài ra, bà Viên còn có một chị gái tử vong sau vụ tai nạn.

'Lùi xe trên cao tốc, giữ khoảng cách an toàn là không thể' ảnh 3
Bà Nguyễn Thị Viên bị ngất khiến người nhà cùng cảnh sát hỗ trợ tư pháp phải dìu ra ngoài. Ảnh: TUYẾN PHAN

Tại tòa ngày 1-11, bà Viên được HĐXX triệu tập để làm rõ nội dung vụ án. Tuy nhiên, mới chỉ nói được đôi lời, bà Viên bị ngất khiến người nhà cùng cảnh sát hỗ trợ tư pháp phải dìu ra ngoài.

LS Bùi Đình Ứng, người bảo vệ quyền lợi cho bà Viên và gia đình, cho rằng đại diện VKS bác toàn bộ kháng cáo của các bị cáo cũng như đại diện bị hại là không hợp lý.

Theo đó, tòa sơ thẩm tuyên gia đình bà Viên được bồi thường tổng cộng hơn 560 triệu đồng. Tại tòa hôm nay, ông đề nghị tăng mức bồi thường tổn thất tinh thần đối với bà vì có tới ba người thân tử vong, tổn thất là không thể đong đếm được.

Bên cạnh đó, việc tính thiệt hại thu nhập cũng không hợp lý, bởi chồng và con trai đều là trụ cột gia đình, cả hai đều tử vong dẫn tới kinh tế bị kiệt quệ, phải cần rất nhiều thời gian để khôi phục… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm