Ly hôn hay níu giữ thì tốt cho con cái?!

L. - tên cô gái, bước ra từ TAND quận Hải Châu, Đà Nẵng sau khi đã nộp lá đơn ly hôn mà cô từng nhiều lần mang đến tòa nhưng lưỡng lự chưa gửi. Nước mắt cô lăn dài khi kể về cuộc hôn nhân chóng vánh, kém hạnh phúc của mình.

26 tuổi, hai đứa con thơ một trai, một gái. Cả trăm lần cô viết đơn ly hôn rồi lại xé. Cô không muốn các con mình vào đời với những vết rạn mà cha mẹ chúng để lại, như chính cô và chồng cô đã từng nếm trải thuở thiếu thời.

Tôi đã nhiều lần bắt gặp cô ở trước cổng TAND quận Hải Châu nhưng hôm nay tôi mới có dịp bắt chuyện. Cô tiếp chuyện tôi bằng một câu nói không đầu không cuối: “Em khổ rồi, con em cũng sẽ khổ rồi…” - cô vừa nói vừa khóc.

L. sinh ra ở một làng quê nghèo Quảng Trị. Cô lớn lên trong sự thiếu thốn tình cảm của một gia đình không trọn vẹn do cuộc hôn nhân của cha mẹ cô đứt gánh giữa chừng. “Hồi đó chứng kiến cảnh cha mẹ ngày nào cũng chửi bới nhau, em buồn lắm. Nhiều khi em không muốn tiếp tục sống chung trong ngôi nhà có cha và mẹ nữa, em chỉ muốn đi đâu đó thật xa để không chứng kiến cảnh cha đánh mẹ, mẹ chửi cha”.

Rồi L. bỏ đi thật. L. trốn học, trốn gia đình bỏ đi chơi, có khi vài ngày mới về. Đến năm lên lớp 10 thì cha mẹ L. tuyên bố ly hôn. “Ngày đó em nghĩ có khi cha mẹ ly hôn lại tốt, em không phải chứng kiến cảnh cha mẹ nặng lời với nhau. Nhưng không hiểu sao em vẫn thấy buồn và chán nản”.

Hết lớp 10, L. bỏ học theo bạn bè đua đòi, ăn chơi. Cô gái ấy suốt ngày tìm đến game, rồi từ game cô gặp và quen V., người hơn cô 10 tuổi. V. cũng lớn lên dưới mái nhà thiếu bóng người phụ nữ do cha và mẹ ly hôn. “Ngày chúng em mới quen, anh ấy hay khóc, anh ấy buồn vì cha mẹ anh ấy suốt ngày mắng chửi, bữa cơm gia đình hiếm khi có được. Anh ấy từng thi đậu vào một trường đại học ở Đà Nẵng nhưng chán nản nên đã bỏ học giữa chừng” - L. kể.

Cả hai đến với nhau như thế, mái ấm gia đình tưởng chừng sẽ là bến đỗ cho hai con người từng chịu nhiều thiệt thòi. Hai đứa con thơ, một trai một gái lần lượt ra đời. Nhưng những ngày vui chẳng được bao lâu khi vợ chồng suốt ngày to tiếng vì chuyện chồng nghiện game. “Đây có lẽ là lần thứ 100 em đưa đơn ly hôn đến tòa. Em không đủ tự tin để ly hôn nhưng em rất muốn chấm dứt cuộc tình này”. Nói đến đó, mắt L. đỏ hoe.

L. nói cô còn yêu chồng và rất sợ các con sống thiếu cha nhưng cô lại không muốn níu giữ và không muốn nói chuyện với chồng để giải quyết mâu thuẫn. “Từ ngày cưới nhau tới giờ anh ấy vẫn mê game, chơi game suốt ngày, chẳng đoái hoài gì tới mẹ con em. Bao nhiêu lần em viết đơn ly hôn là bấy nhiêu lần anh hứa sẽ thay đổi nhưng chỉ được vài ngày thì đâu lại vào đó”.

Hỏi tình cảm, L. nhỏ nhẹ: “Anh vẫn vậy, vẫn yêu em, thương em nhưng anh ấy vẫn không bỏ tật nghiện game”. Hỏi L. sao trước đây cũng con người đó nhưng em lại yêu, còn bây giờ lại không, L. giải thích: “Trước đây cả hai còn trẻ, chưa có con cái thì còn có thể chấp nhận được, giờ đã hai đứa con, chi phí ngày càng nhiều, một mình em làm sao gánh vác. Anh ấy cứ mải mê vào game thì con sẽ ra sao”. Nói rồi, L. lại khóc.

“Em muốn ly hôn để không phải bận tâm tới chồng nữa, em sợ con em cũng sẽ giống cha mẹ nó, sẽ lại chứng kiến cảnh cha mẹ suốt ngày chửi bới nhau. Nhưng nếu ly hôn em cũng không đủ can đảm, em lo con em sẽ bị mặc cảm, sẽ thiếu thốn tình cảm, đứa ở với cha thì thiếu mẹ, đứa ở với mẹ thì thiếu cha. Đó là chưa nói nếu em và anh ấy đi bước nữa thì sẽ ra sao…”. Và cô gái 26 tuổi lại khóc…

Sau bao lần đôi chân cô gái trẻ đến tòa, hôm nay lá đơn ly hôn mới rời khỏi bàn tay run run của cô gái để tòa tiến hành thủ tục thụ lý. Vậy mà trước khi ra về, cô lại quay sang tôi nói như khóc: “Có lẽ em… sẽ vì con!”.

Không ai có đủ tư cách để khuyên bạn níu giữ hay dứt bỏ một cuộc hôn nhân mà bạn đang cảm thấy rạn vỡ. Người ta chỉ có thể góp lời rằng bạn cố nghĩ suy rồi lựa chọn con đường để con bạn có cuộc đời tốt nhất.         

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm