XỬ VỤ MUA BÁN TRẺ EM Ở CHÙA BỒ ĐỀ (HÀ NỘI)

Mua trẻ về nuôi là phạm tội

Ngày 9-9, TAND quận Long Biên (Hà Nội) mở lại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề. Tòa tuyên phạt bị cáo Phạm Thị Nguyệt (45 tuổi, trú Yên Khánh, Ninh Bình) bốn năm tù, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Trang (37 tuổi, trú quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) ba năm sáu tháng tù cùng về tội mua bán trẻ em.

Tại tòa, bị cáo Trang khai bị cáo làm nhiệm vụ quản lý khu nhà mở (nhà trông trẻ) tại chùa Bồ Đề với hơn 100 cháu bé và gần 90 cụ già với công việc phân công người chăm sóc, xin học cho các cháu... Trang quen với Nguyệt từ tháng 8-2012, khi Nguyệt mang một cháu bé bị nhiễm HIV đến chùa gửi. Về sau, Nguyệt thường xuyên tới chùa, Trang cũng nhiều lần đến nhà Nguyệt chơi và thấy Nguyệt rất có tình cảm với các cháu nhỏ.

Cuối năm 2012, Nguyệt đề nghị Trang biết ai cho con nuôi thì xin giúp, điều kiện đưa ra là một cháu trai khỏe mạnh, không bệnh tật gì. Lúc này, chị H. (mẹ đẻ cháu C.) đem cháu đến chùa gửi. Biết vợ chồng chị H. không muốn nhận lại con, Trang hứa giúp chị này và giới thiệu xin cháu cho Nguyệt. Trang nhờ một người tên Minh (bán hàng ở chùa Bồ Đề) đóng giả làm chị dâu của mình để gặp chị H. xin con.

 
Hai bị cáo nghe tòa tuyên án. Ảnh: TUYẾN PHAN

Ngày 1-1-2014, cháu C. được đưa ra khỏi chùa để đi xét nghiệm HIV và viêm gan siêu vi B. Sau khi có kết quả khỏe mạnh, cháu C. được giao cho Nguyệt. Nguyệt trả công cho Trang 35 triệu đồng. Trang chuyển vào tài khoản cho chị H. 10 triệu đồng. Số tiền còn lại Trang tiêu xài.

Trang khai quá trình trao đổi, bị cáo không hề đặt vấn đề mà chị Nguyệt tự nguyện hứa sẽ bồi dưỡng tiền cho bị cáo cũng như mẹ cháu bé nhưng không nói cụ thể là bao nhiêu. Tuy nhiên, bị cáo Nguyệt phủ nhận điều này và nói chỉ đến khi nhận cháu C. rồi mới đưa tiền. Bị cáo nói mục đích nhận nuôi con nuôi chỉ đơn thuần xuất phát từ cái tâm và tình yêu với con trẻ. Nguyệt thừa nhận trước khi nhận con nuôi, bị cáo này đã có chồng và hai con đẻ.

Tòa chất vấn việc Nguyệt nhận nuôi tới ba cháu bé độ tuổi rất nhỏ cùng một lúc trong khi bị cáo phải đi làm thì nuôi như thế nào. Nguyệt khẳng định công việc may và bán quần áo mang lại thu nhập 15-20 triệu đồng/tháng, đồng thời có sự giúp đỡ của anh V. (người chung sống với bị cáo).

Nguyệt là người từng có chồng, sau khi bỏ người chồng đầu tiên, từ năm 1999, Nguyệt chung sống như vợ chồng với anh H., đến năm 2014 mới đăng ký kết hôn. Do anh H. thường xuyên đi làm ăn xa nên từ năm 2012, Nguyệt tiếp tục chung sống với anh V. Sau khi nhận ba cháu bé A., Hân và C. về nuôi, Nguyệt đã nói dối với anh V. và anh H. cả ba đứa trẻ này là con đẻ của hai anh. Nguyệt đi làm lại giấy khai sinh cho ba cháu, thể hiện là con đẻ của mình. Tin lời Nguyệt, cả hai người đàn ông trên đã cấp tiền cho Nguyệt để nuôi các cháu (trong đó, anh H. đưa gần 300 triệu đồng, anh V. đưa 40 triệu đồng).

Bào chữa cho Nguyệt, luật sư cho rằng bị cáo đã chăm sóc cháu C. hết mình, mục đích của Nguyệt là muốn được nuôi con trẻ, xuất phát từ tình yêu thật lòng. Hơn thế, tất cả giấy tờ, hồ sơ tại bệnh viện đã chứng minh rằng Nguyệt đã làm hết mình để cứu cháu C. Trước khi nhận con nuôi, Nguyệt không hề tìm hiểu về các quy định nhận con nuôi, đây chính là nguyên nhân quan trọng dẫn tới hành vi phạm tội của bị cáo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm