Ngoại tình dẫn đến ly hôn, coi chừng bị tù

Chuyện ngoại tình đã không còn xa lạ trong xã hội. Pháp luật vẫn có những quy định về chế tài hình sự, hành chính đối với các hành vi ngoại tình. Chẳng hạn, Điều 147 BLHS hiện hành có quy định về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Hay Điều 48 Nghị định 110/2013 của Chính phủ (xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân gia đình...) cũng có quy định phạt tiền đối với một số hành vi ngoại tình. Tuy nhiên, trên thực tế, rất ít trường hợp bị xử phạt hành chính vì ngoại tình chứ chưa nói đến việc bị xử lý hình sự, dẫn tới hậu quả là chế tài của pháp luật đã không đủ sức răn đe.

Bổ sung tình tiết định tội, định khung

BLHS 2015 (có hiệu lực từ 1-7-2016) đã sửa đổi, bổ sung tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng theo hướng chi tiết hơn về hành vi ngoại tình phải chịu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, khoản 1 Điều 182 BLHS 2015 quy định: Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm: Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

TS Nguyễn Duy Hưng (Trưởng khoa Luật Trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương) phân tích: Nếu khoản 1 Điều 147 BLHS hiện hành quy định “gây hậu quả nghiêm trọng” là một trong các tình tiết định tội thì khoản 1 Điều 182 BLHS 2015 đã bỏ tình tiết rất chung chung này và bổ sung một tình tiết định tội rõ ràng hơn là “làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn”. Còn các dấu hiệu định tội khác như “kết hôn” hoặc “chung sống như vợ chồng với người khác”, “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” thì luật mới vẫn giữ nguyên như luật hiện hành.

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 182 BLHS 2015 cũng bổ sung thêm một tình tiết tăng nặng định khung mà khoản 2 Điều 147 BLHS hiện hành không có là “làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát”.

Về mức hình phạt thì cả luật mới lẫn luật hiện hành đều như nhau (cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm theo khoản 1, phạt tù từ sáu tháng đến ba năm theo khoản 2).

Một phiên xử ly hôn tại TAND TP.HCM. Ảnh minh họa: T.TÙNG

Sửa đổi, bổ sung quy định phạt hành chính

Về chế tài hành chính, ngày 14-8-2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/2015 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 110/2013, có hiệu lực từ 1-10-2015). Điều 1 Mục 35 Nghị định 67/2015 đã sửa đổi tên Điều 48, điểm d, điểm đ, điểm e khoản 1, điểm a khoản 2 và bổ sung điểm b khoản 2 Điều 48 Nghị định 110/2013.

Thứ nhất, sửa tên Điều 48 một cách gọn, dễ hiểu hơn là từ “hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng; vi phạm quy định về ly hôn” thành “hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng”.

Thứ hai, bổ sung thêm tình tiết để xử phạt là “chung sống như vợ chồng” vào các điểm d, điểm đ, điểm e khoản 1 Điều 48 (ví dụ, từ “kết hôn giữa cha mẹ nuôi với con nuôi” thành “kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa cha mẹ nuôi với con nuôi”...).

Thứ ba, bổ sung cụm từ “hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân” vào điểm a khoản 2 Điều 48. Đồng thời, bổ sung một điểm mới vào khoản 2 Điều 48 (điểm b) là quy định “kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người có cùng dòng máu về trực hệ”.

Về mức phạt tiền, Nghị định 67/2015 không sửa đổi Điều 48 Nghị định 110/2013. Như vậy, người có các hành vi vi phạm thuộc khoản 1 bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng, vi phạm thuộc khoản 2 bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Bất lợi hơn khi chia tài sản ly hôn

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều chuyên gia nhận xét quy định trong BLHS 2015, Nghị định 67/2015 tuy có sửa đổi, bổ sung một số điểm nhưng về cơ bản sẽ khó khắc phục được bất cập lớn nhất trong việc xử lý hành vi ngoại tình hiện nay.

Cụ thể, Điều 182 BLHS 2015 vẫn giữ các dấu hiệu định tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng là “kết hôn” hoặc “chung sống như vợ chồng với người khác”. Nghị định 110/2013 và Nghị định 67/2015 cũng chỉ quy định xử phạt trong một số trường hợp nhất định với dấu hiệu bắt buộc là “kết hôn” hoặc “chung sống như vợ chồng”. Trong khi đó, ngoại tình diễn ra ở rất nhiều cấp độ khác nhau mà phần lớn thường là lén lút. Những người có “bồ nhí” nếu không kết hôn, không chung sống như vợ chồng thì sẽ không bị chế tài vì không có quy định. Còn những trường hợp kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác lại không nhiều để khởi tố hoặc xử phạt hành chính.

Theo luật sư Nguyễn Toàn Thiện (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận), thay đổi tích cực nhất về mặt pháp luật trong vấn đề này hiện nay có lẽ là Thông tư liên tịch số 01/2016 của TAND Tối cao - VKSND Tối cao - Bộ Tư pháp (hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, có hiệu lực từ 1-3-2016). Theo điểm d Điều 7 Thông tư 01/2016, khi chia tài sản ly hôn, tòa án phải xem xét lỗi của vợ hoặc chồng dẫn đến ly hôn. Thông tư đưa ra ví dụ: Trường hợp người chồng có hành vi bạo lực gia đình, không chung thủy (ngoại tình) hoặc phá tán tài sản thì khi giải quyết ly hôn, tòa xem yếu tố lỗi này để chia tài sản chung của vợ chồng.

Luật sư Thiện đánh giá rất cao quy định trên trong Thông tư 01/2016. Ông kể lúc còn là thẩm phán TAND tỉnh Ninh Hải (cũ), khi xét xử ly hôn, ông đã thấy bất hợp lý của quy định “chia đôi tài sản chung” và từng nhiều lần kiến nghị sửa. “Anh đi ngoại tình khiến người bạn đời đau khổ, rồi con cái, người thân hai bên vì anh mà ê chề, tủi nhục mà khi ly hôn anh lại đòi được chia đôi tài sản là không công bằng. Tôi cho rằng đây là một quy định hợp lý, tiến bộ và cần thiết” - luật sư Thiện nói.

Cần cơ chế đảm bảo

Trước đây, việc xử phạt hành chính hành vi ngoại tình được quy định tại Điều 8 Nghị định 87/2001 của Chính phủ với mức phạt tiền chỉ từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng. Sau này, Điều 48 Nghị định 110/2013 đã điều chỉnh theo hướng phạt nặng hơn là từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng. Việc quy định mức phạt tiền nặng hơn như vậy là cần thiết vì nó có tác dụng phòng ngừa, răn đe. Nhưng để quy định xử phạt hành chính đi vào thực chất, có tác dụng thực sự thì cần cơ chế đảm bảo cho việc thực thi trong đời sống. Bởi lẽ hành vi ngoại tình chủ yếu là lén lút, rất ít người công khai, vậy thì ai, cơ quan nào sẽ đi thu thập thông tin, chứng cứ (như quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn nhân chứng…) và lập hồ sơ để làm căn cứ xử phạt?

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, Trường ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm