Người giúp việc không hợp đồng thắng kiện​ chủ nhà

Ngày 19-8, TAND TP Cần Thơ tuyên sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn Võ Thị Kim Hậu, tuyên buộc vợ chồng bà LTD phải trả cho chị Hậu 24 triệu đồng (là tiền bà Hậu giúp việc nhà cho vợ chồng bà D. trong 24 tháng).

Chị Hậu cho biết tòa phúc thẩm đã thấu hiểu phần nào công việc của chị và tuyên bản án cho chị cảm thấy được được bảo vệ phần nào... Ảnh: N.NAM

Không lập hợp đồng lao động vì là chị em họ

Theo hồ sơ, chị Hậu cho rằng do là mối quan hệ chị em họ nên chị được bà D. thuê giúp việc nhà từ tháng 3-2012 đến tháng 4-2014. Hai bên không làm hợp đồng chỉ thỏa thuận miệng, tiền công mỗi tháng 2 triệu đồng. Tháng đầu bà D. trả cho chị 2 triệu đồng. Tháng sau, bà D. bảo sẽ giữ tiền công giùm chị đến khi nào không làm nữa thì sẽ đưa một lần để chị làm vốn và chị đồng ý.

Đến tháng 5-2014 chị Hậu nghỉ việc và yêu cầu vợ chồng bà D. trả tiền lương nhưng bà D. không trả nên bà kiện ra tòa yêu cầu vợ chồng bà D. trả lại bà 48 triệu đồng.

Ngược lại, vợ chồng bà D. cho rằng không thuê chị Hậu làm giúp việc mà là do chỗ chị em họ, thương tình chị bệnh tật nên bà cho chị Hậu ở nhờ nhà để bốc thuốc Nam chữa bệnh. Tháng đầu, vợ chồng bà trả 2 triệu đồng gồm 1,5 triệu tiền công động viên con bà D. học và 500.000 đồng để sửa mộ ông bà. Còn lại, không có thuê mướn gì nên bà không đồng ý trả. Quá trình ở nhà bà chữa bệnh, chị Hậu có làm một số việc lặt vặt trong gia đình vì được bà nuôi ăn ở.

Xử sơ thẩm, TAND quận Bình Thủy cho rằng chị Hậu trình bày không có căn cứ nên bác yêu cầu của chị. Sau đó, chị Hậu kháng cáo toàn bộ bản án.

Chị Hậu vui vẻ cho biết sẽ không bao giờ làm giúp việc nhà cho bất kỳ người nào nữa mà sẽ chuyên tâm với công việc nạo cá ở quê hơn chục năm qua vẫn sống khỏe! Ảnh: N.NAM

Tòa phúc thẩm: Có giúp việc phải trả tiền

Theo tòa phúc thẩm, chị Hậu cho rằng ở nhà bị đơn trong hai năm là để giúp việc gia đình. Bị đơn cho rằng kêu chị Hậu về ở chung nhà là để tạo điều kiện để bốc thuốc Nam chữa bệnh. HĐXX nhận thấy điều trị bằng thuốc Nam của chị Hậu không cần phải ở nhà bà D. đến hai năm.

Vợ chồng bị đơn cùng thừa nhận vì công việc nên ban ngày cả hai vợ chồng đều đi làm không có ai ở nhà, trong nhà có con nhỏ 16 tuổi còn đi học.  Còn chị Hậu ở trong gia đình bị đơn cũng làm các việc trong gia đình như nấu ăn, giặt đồ, vớt bèo cho cá ăn, đốc thúc, nhắc nhở con bị đơn học hành… Điều 179 Bộ luật Lao động quy định các công việc trong gia đình bao gồm công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ… và các công việc khác.

Vì vậy bị đơn và chị Hậu có thỏa thuận về việc thuê giúp việc cho gia đình bị đơn như chị Hậu trình bày là có cơ sở. Ngoài ra, trong quá trình giải quyết vụ án, phía bà D. cũng thừa nhận có trả tiền công tháng đầu cho chị Hậu 2 triệu đồng. Như vậy, có thể xem đây là mức lương thỏa thuận của nguyên đơn và bị đơn. Tuy mức tiền lương 2 triệu đồng là thấp hơn mức lương tối thiểu vùng nhà nước quy định nhưng hai bên đồng ý nên không xem xét.

Trong thời gian giúp việc cho gia đình bà D., chị Hậu còn làm thêm các công việc do người  khác thuê mướn như bán căn tin từ 5-7 giờ sáng trong tám tháng mỗi tháng 800.000 đồng, giữ trẻ từ 11-13 giờ trong 18 tháng mỗi tháng 550.000-600.000 đồng. Như vậy, chị Hậu không phải hoàn toàn giúp việc cho gia đình bị đơn.

Tuy các đương sự không ký kết hợp đồng lao động với nhau nhưng việc chị Hậu ăn ở và giúp việc tại gia đình bà D. là có. Căn cứ vào quy định pháp luật trong trường hợp không lập hợp đồng lao động sẽ đảm bảo cho cả nguyên đơn và bị đơn. Chị Hậu ở trong nhà bà D. có ăn chung và ở chung mà không tính chi phí. Do đó, HĐXX chấp nhận đề nghị như của VKS là chia đôi số tiền yêu cầu của nguyên đơn, chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, buộc vợ chồng bị đơn trả cho nguyên đơn 24 triệu đồng tiền lương làm giúp việc trong 24 tháng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm